(ANTV) - Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên trên thế giới ban hành chương trình hay chiến lược về Chuyển đổi số quốc gia. Thực hiện “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, công cuộc chuyển đổi số quốc gia đã đạt được những kết quả rõ nét.
Chuyển đổi số đã tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, góp phần tăng năng suất lao động, chuyển đổi mô hình hoạt động, kinh doanh theo hướng đổi mới sáng tạo, từ đó nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia. Đặc biệt, người dân và doanh nghiệp được xem là mục tiêu, là chủ thể và là trung tâm của chuyển đổi số đã và đang thực sự được hưởng những lợi ích từ công cuộc này...
Chưa bao giờ việc chuyển tiền, mua bán và thanh toán trực tuyến lại đơn giản và dễ dàng như hiện nay. Khi tất cả người dân từ thành thị đến nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, hải đảo đều có thể tiếp cận với tài chính số.
Các tính năng về số nó đang dần đi vào cuộc sống của mọi người, nó phục vụ và nó làm cho tất cả những trải nghiệm trong cuộc sống nhanh chóng, thuận lợi hơn
Với doanh nghiệp, việc thực hiện chuyển đổi số đang giúp thay đổi cách vận hành, phương thức kinh doanh cũng như cách tiếp cận khách hàng từ đó giảm thiểu chi phí, tăng năng suất lao động. Đặc biệt, Chính phủ số đang tạo hỗ trợ mạnh mẽ cho các doanh nghiệp khi mà hàng loạt dịch vụ công đã được thực hiện trực tuyến.
Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã dần xóa đi những ranh giới giữa nhiều ngành nghề và lĩnh vực nhờ cơ sở dữ liệu, kết nối và trí tuệ nhân tạo. Những tiện ích, dịch vụ số đang từng bước được phủ rộng trên khắp cả nước với mục tiêu “không ai bị bỏ lại phía sau”.
Tham gia tích cực vào chuyển đổi số
Năm 2022 là năm đầu tiên tổ chức Ngày Chuyển đổi số quốc gia với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Đây cũng là dịp để nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về vai trò, ý nghĩa và lợi ích của chuyển đổi số cũng như thúc đẩy sự tham gia vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Bởi, chuyển đổi số chỉ thực sự thành công khi mỗi một người dân, mỗi một doanh nghiệp tích cực tham gia và thụ hưởng các lợi ích mà chuyển đổi số mang lại.
Chuyển đổi số trước tiên là chuyển đổi nhận thức, từ hệ thống chính trị tới người dân, doanh nghiệp. Trong đó, doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam được xác định là lực lượng chủ lực phát triển các hạ tầng, nền tảng, dịch vụ, tư vấn, cung cấp giải pháp chuyển đổi số. Cùng với đó, thể chế cần đi trước một bước, sẵn sàng chấp nhận những cái mới.
Đến năm 2025, Việt Nam phấn đấu gia nhập nhóm 70 nước dẫn đầu về Chính phủ điện tử mục tiêu kinh tế số chiếm 20% GDP và thuộc nhóm 50 nước dẫn đầu về công nghệ thông tin.
Để đạt được mục tiêu này, mỗi người dân, doanh nghiệp đều cần phải tích cực tham gia vào công cuộc chuyển đổi số để chuyển đổi số thực sự là cuộc cách mạng của toàn dân.