(ANTV) - Sau khi Bộ Giao thông Vận tải đề nghị lấy ý kiến các bộ ngành, chuyên gia và các hãng bay về việc áp giá sàn vé máy bay thì đã xuất hiện nhiều luồng ý kiến trái chiều từ phía các chuyên gia và người dân. Quy định chưa đi vào thực tế thì khó đánh giá được lợi hay hại. Nhưng điều đầu tiên có thể nhìn thấy rõ đó là nếu giá tăng thì chắc chắn số người sử dụng dịch vụ sẽ giảm.
Nếu đề xuất áp dụng mức giá sàn là bằng 20% giá tối đa hiện nay của Cục Hàng Không Việt Nam được thông qua thì mặt bằng giá vé máy bay sẽ tăng rất cao, lên xấp xỉ 2 triệu đồng/vé một chiều tuyến bay vàng Hà Nội - HCM.
Nhiều người dân lo lắng sẽ khó có cơ hội mua vé giá rẻ như trước đây, thế nhưng cũng kì vọng sẽ nhận được 1 chất lượng dịch vụ tương xứng với số tiền phải bỏ thêm, nếu quy định này đi vào thực tế.
Trước đại dịch, 65% vé bay nội địa nước ta là vé rẻ, cụ thể khoảng 43 triệu lượt khách trong năm 2019. Theo ý kiến của một số chuyên gia việc áp giá sàn sẽ gây nên tình trạng bất bình đẳng giữa các hãng hàng không, hạn chế tính cạnh tranh nội địa, bên cạnh đó sẽ ảnh hưởng lớn đến cơ hội phục hồi ngành du lịch sau đại dịch, qua đó tác động lớn đến nền kinh tế bởi theo thống kê ngành du lịch đóng góp vào trên dưới 10% GDP cả nước và tạo nhiều công ăn việc làm, khoảng 2,5 triệu người trực tiếp và 4-5 triệu người gián tiếp.
Các chuyên gia cảnh báo, đề xuất thiết lập giá vé máy bay nội địa tối thiểu sẽ tác động rất lớn không chỉ đến doanh nghiệp mà cả với hàng chục triệu người tiêu dùng.
Không chỉ là giá sàn mà tiến tới cần bỏ quy định về giá trần, để giá vé máy bay được phát triển tự do theo sự phát triển thị trường. Tránh sự áp đặt về quy định sẽ làm méo mó, biến dạng thị trường và cản trở quá trình phục hồi ngành du lịch và nền kinh tế nước ta sau dịch bệnh.