(ANTV) - Với sự phát triển của công nghệ ngày nay, chúng ta không còn xa lạ với các phần mềm hay ứng dụng livestream, có đến hàng trăm ứng dụng này được phát triển trên các nền tảng di động. Nếu chỉ dừng lại ở mức độ xem để giải trí thì những ứng dụng này gần như vô hại với người dùng. Nhưng một khi đã dấn thân quá sâu, muốn thu lợi kinh tế thì hàng trăm ngàn cặm bẫy của các đối tượng lừa đảo luôn sẵn sàng chờ đón các nạn nhân chập chững mới vào nghề.
Những mạng xã hội video hay những ứng dụng livestream là xu thế phát triển rất mạnh mẽ những năm trở lại đây trên các thiết bị di động. Và đa phần tâm lý chung của những người sử dụng các ứng dụng này là gây được sự chú ý của những người khác cùng sử dụng ứng dụng. Muốn trở thành idol hay thần tượng của những ứng dụng này, và đánh vào tâm lý đó nhiều đối tượng đã lừa đảo thậm chí là tốt tiền những người sử dụng ứng dụng này. Và vụ việc mới đây được công an huyện Hoài Đức khởi tố là minh chứng rõ ràng nhất về việc muốn trở thành người nổi tiếng thì cái giá phải trả nó đắt như thế nào.
Hứa sẽ tặng 1 triệu 2 kim cương trong ứng dụng Bigo Live, tương đương 175 triệu VND, theo như thỏa thuận quy đổi của người dùng ứng dụng này.
Đối tượng Trần Trung Tịnh nhanh chóng đã lừa được nạn nhân là chị N – một “thần tượng” trên nền tảng livestram Bigo live vào bẫy với đoạn clip “cảnh nóng” qua video call trên ứng dụng zalo, đối tượng đã ghi lại màn hình toàn bộ cuộc gọi sau đó liên tục nhắn tin đe dọa, khống chế nạn nhân phải chuyển tiền cho mình nhiều lần.
Đại úy Trần Xuân Thức, cán bộ đội cảnh sát hình sự, Công an huyện Hoài Đức, Tp Hà Nội cho biết: Sau đó thì idol đã phải chuyển tiền vì sợ đối tượng tung lên mạng xã hội những cái hình ảnh nó nhạy cảm của người phụ nữ. Bởi giờ đối tượng đã có trong tay các đoạn clip. Bản thân người phụ nữ đó cũng nhẹ dạ cả tin mà giờ tung cái clip đó lên mạng thì mất hết danh dự với bạn bè người thân và gia đình, họ hàng nên các đối tượng đã lợi dụng vào cái tâm lý đấy. Thì ngay sau khi phát hiện có dấu hiệu tống tiền, CAH Hoài Đức đã thành lập chuyên án đấu tranh với ổ nhóm đối tượng này.
Hiện nay, việc đăng ký tài khoản trên các ứng dụng, mạng xã hội video này là vô cùng đơn giản, 1 người có thể lập nhiều tài khoản và không chịu bất cứ rằng buộc về pháp lý và trách nhiệm. Nên việc để tìm ra chủ nhân đích thực của những tài khoản này là vô cùng khó khăn. Những tài khoản này được gọi là nick “ảo”... thế nhưng những nick ảo này lại mang đến cho người khác những nỗi đau có thật.
Đại úy Trần Xuân Thức cho biết: Cái khó nhất của vụ việc này đó là: Thứ nhất, mình không rõ về mặt hình ảnh. Thứ 2 là mạng xã hội Zalo vẫn còn hạn chế với khối công an điều tra, vì muốn xác định ai là người trực tiếp dùng mạng Zalo rất khó khăn. Thứ ba là liên quan đến MXH Bigo để xác thực ai là người chủ tài khoản với ID gì là rất khó. Người bị hại không biết rõ mặt đối tượng, và chỉ giao dịch qua tài khoản mà tài khoản lại là một tài khoản ảo của người khác và không nhận tiền mà quy đổi ra kim cương.
Hiện các lực lượng chức năng chỉ có thể bảo vệ quyền lợi của người dân khi có phát sinh giao dịch bằng tiền, còn đối với các đồng tiền “ảo” được quy đổi hay thống nhất trên các ứng dụng khác nhau thì hiện vẫn chưa có quy định rõ ràng nào về vấn đề này. Chính vì vậy, để bảo vệ bản thân, người sử dụng ứng dụng cần tỉnh táo, luôn đề phòng và hiểu rõ về ứng dụng trước khi có mong muốn kiếm tiền từ những ứng dụng này.