(ANTV) - Song song với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine, một cuộc chiến trừng phạt nhằm vào Nga cũng đang được thực hiện bởi Mỹ và các nước phương Tây. Trong một loạt gói trừng phạt được châu Âu thông qua, gói trừng phạt thứ 6 sẽ có hiệu lực ngay từ ngày đầu tuần sau, theo đó cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển. Cùng thời điểm này, châu Âu sẽ chính thức áp dụng cơ chế giá trần với dầu mỏ của Nga.
Kể từ tháng 9, thuật ngữ “giá trần” đã được đưa vào nhiều cuộc thảo luận của các quan chức Liên minh châu Âu (EU). Ý tưởng này được Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới G7 đề xuất nhằm vào lĩnh vực xuất khẩu dầu mỏ của Nga.
Ủy ban châu Âu muốn áp giá trần dầu mỏ Nga ở mức 65 USD/thùng, nhưng Ba Lan và các nước Baltic cho rằng con số đó quá cao, chỉ nên ở khoảng 30 USD/thùng. Ngược lại, các nước có ngành vận tải hàng hải phát triển như Hy Lạp, CH Síp và Malta không muốn giá trần dưới 70 USD. Trong khi Mỹ và các đồng minh trong G7 thống nhất mức giá dầu mua của Nga không được cao hơn 70USD/thùng.
Giá trần sẽ là cơ sở cho lệnh cấm của châu Âu có hiệu lực từ ngày 5/12 tới, theo đó ngăn các công ty vận chuyển hoặc cung cấp bảo hiểm cho các lô hàng dầu Nga được bán trên mức giá cố định.
“Giá trần đối với dầu thô của Nga được đặt ở mức 60 USD/thùng với điều kiện giữ mức giá này thấp hơn 5% so với giá thị trường, dựa trên số liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA)".
“The price ceiling was set at $60, with a condition to keep it 5% lower than the market price of Russian crude, based on IEA figures.”
Hiện, dầu Urals của Nga đang được giao dịch ở ngưỡng 67-70 USD/thùng, thấp hơn mức đỉnh 100 USD hồi tháng 7, và tương đương mức giá giao dịch cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, thời gian qua, Nga đã chiết khấu đáng kể cho các khách hàng mua lượng lớn dầu mỏ của nước này như Trung Quốc và Ấn Độ.
Còn với châu Âu, mức giao dịch ở ngưỡng 60 USD chắc chắn với Nga là điều không thể chấp nhận được. Nga cũng cảnh báo sẽ không cung cấp dầu và khí đốt cho các quốc gia áp giá trần.
Bà Maria Zakharova – Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ: Đó không phải là mức giá trần mà là mức đáy cho một điều gì đó. Chúng tôi từng nhiều lần cảnh báo, cái gọi là giá trần với dầu mỏ của Nga không chỉ là một cơ chế phi thị trường, mà là biện pháp phản thị trường. Nga sẽ không cung cấp dầu cho những quốc gia ủng hộ kế hoạch khiêu khích chống Nga như vậy, và hơn thế, người dân sẽ dần cảm nhận được hậu quả từ hành động đó.
Trước khi Nga mở chiến dịch quân sự tại Ukraine, châu Âu là điểm đến của gần một nửa lượng dầu xuất khẩu của Nga. Năm 2021, khối này nhập mỗi ngày từ Nga hơn 2 triệu thùng dầu thô, trong đó Đức, Ba Lan và Hà Lan là những khách hàng lớn.
Sau nhiều tranh cãi, EU đã đạt thỏa thuận về con số cụ thể về trần giá áp lên dầu Nga là 60 USD/thùng, khi Ba Lan - quốc gia trước đó trì hoãn phê duyệt - chấp nhận mức giá trần này. Và dự kiến trong ngày hôm nay (4/12), EU sẽ chính thức phê chuẩn thỏa thuận bằng văn bản. Các nhà lãnh đạo EU cũng sẽ xem xét lại mức giá trần vào giữa tháng 1/2023 và sau đó thực hiện công tác đánh giá theo tần suất lại 2 tháng/lần.
Sau khi áp dụng, lĩnh vực được coi là “xương sống” của nền kinh tế Nga sẽ chịu tác động ra sao? Thị trường năng lượng thế giới bị ảnh hưởng như thế nào? Và bản thân châu Âu, nơi phụ thuộc phần lớn vào nguồn cung năng lượng từ Nga, có tránh được kịch bản suy thoái, hay tiếp tục rơi vào vòng xoáy khủng hoảng kinh tế-chính trị-xã hội? TS. Nguyễn Minh Phong chuyên gia nghiên cứu các vấn đề kinh tế Việt Nam và thế giới phân tích.
Thị trường đang “rất bối rối” về tác động của giá trần với nguồn cung dầu toàn cầu và điều này thể hiện ở việc giá dầu giảm những ngày gần đây. Các nhà quan sát vẫn đang chờ đợi xem điều gì sẽ xảy ra sau ngày 5/12.
Thế nhưng, cho dù có hiệu lực, tác động lớn nhất từ lệnh cấm vận của EU đối với Nga có thể không xảy ra vào ngày 5/12, khi châu Âu tìm thấy các nhà cung cấp mới và Nga chuyển hướng giao dầu mỏ. Thời điểm nhận thấy tác động của quyết định này được cho là vào ngày 5/2/2023, khi lệnh cấm bổ sung của EU đối với các sản phẩm từ dầu mỏ Nga, như nhiên liệu diesel, có hiệu lực./.