(ANTV) - Sau cuộc họp lưỡng viện Quốc hội kéo dài tới gần 15 tiếng, nhưng có tới hơn 5 tiếng bắt buộc phải tạm dừng, cuối cùng các nghị sĩ liên bang cũng đã hoàn thành trọng trách mà cử tri giao phó, đó là xác nhận ông Joe Biden là Tổng thống hợp hiến thứ 46 của nước Mỹ. Dư luận thế giới đã có những phản ứng về sự kiện này.
Sau khi hoàn tất việc kiểm đếm phiếu của 50 bang, cùng đặc khu Washing và trải qua các thủ tục theo luật định, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đồng thời là Chủ tịch Thượng viện tuyên bố ông Joe Biden nhận được 306 phiếu đại cử tri và đương kim Tổng thống Donald Trump nhận được 232 phiếu đại cử tri.
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence phát biểu: “Việc công bố về tình trạng bỏ phiếu của Chủ tịch Thượng viện được coi là một tuyên bố đầy đủ về những người đã được bầu làm tổng thống hợp hiến và phó tổng thống của Mỹ. Nhiệm kỳ của mỗi người sẽ bắt đầu từ ngày 20/1/2021.”
Ngay sau khi lưỡng viện Quốc hội chính thức xác nhận chiến thắng của ông Joe Biden, đương kim Tổng thống Donald Trump cũng lần đầu tiên công khai thừa nhận ông sẽ rời nhiệm sở vào cùng ngày ông Biden nhậm chức. Ông Trump tuyên bố sẽ chuyển giao quyền lực một cách "trật tự" vào ngày 20/1 tới.
Các nước trên thế giới cũng đã có phản ứng sau khi Quốc hội Mỹ xác nhận kết quả bầu cử tổng thống.
Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng: “Chắc chắn rằng với sự xác nhận chiến thắng trong cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ của ông Joe Biden và bà Kamala Harris, Hợp chúng quốc Hoa Kỳ sẽ mở ra một chương mới của nền dân chủ trong vòng chưa đầy hai tuần, vì nó được cho là sẽ xảy ra."
Thủ tướng Australia Scott Morrison: “Chúng tôi hy vọng về một sự chuyển đổi hòa bình và ổn định của chính phủ sang chính quyền mới do người dân Mỹ bầu ra”.
Trước đó, để đi đến kết quả cuối cùng và khép lại một mùa tranh cử kéo dài, đầy bất trắc, nước Mỹ đã phải trả một cái giá quá đắt, đó là cuộc biểu tình tại khu vực trụ sở Quốc hội nhằm phản đối kết quả bầu cử của đại cử tri đoàn bị biến thành bạo lực và khiến 4 người thiệt mạng.
Cơ quan mật vụ Mỹ (USSS) cho biết sẽ tăng cường lực lượng an ninh xung quanh Đồi Capitol và các cơ quan hành chính của nước này, sau khi bạo loạn bùng phát tại thủ đô Washington D.C.
Theo đó, các đặc vụ làm nhiệm vụ bảo vệ cho Phó Tổng thống Mike Pence và Phó Tổng thống đắc cử Kamala Harris đã có mặt và làm nhiệm vụ. USSS cho hay Mật vụ Mỹ là cơ quan liên bang đầu tiên được triển khai khi Cảnh sát Capitol yêu cầu trợ giúp từ các lực lượng thực thi pháp luật liên bang và địa phương.
Trước đó, hôm 6/1, hàng trăm người biểu tình ủng hộ Tổng thống Donald Trump đã tràn vào trụ sở Quốc hội Mỹ khi lưỡng viện Quốc hội đang nhóm họp để kiểm đếm kết quả phiếu đại cử tri. Đây được coi là vụ xâm nhập nghiêm trọng nhất ở Điện Capitol.
LHQ hoan nghênh tiến triển trong thực thi lệnh ngừng bắn tại Libya
Liên hợp quốc (LHQ) mới đây đã đánh giá cao cuộc trao đổi tù binh lần thứ hai giữa các phe đối địch tại Libya, đồng thời kêu gọi các bên đẩy nhanh việc triển khai các nội dung khác trong thỏa thuận ngừng bắn đạt được hồi tháng 10 năm ngoái.
Theo đó, tổng cộng đã có 35 tù binh đã được trao đổi dưới sự giám sát của Ủy ban quân sự chung (JMC), vốn được thiết lập theo thỏa thuận ngừng bắn. Tháng trước, một đợt trao đổi tù binh tương tự cũng đã được hoàn thành.
Sau khi rơi vào cuộc nội chiến phức tạp kể từ năm 2011, tại Libya hình thành hai lực lượng chính. Chính phủ Đoàn kết dân tộc Libya (GNA) kiểm soát thủ đô Tripoli, nhận được sự ủng hộ của LHQ và lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) kiểm soát thành phố Benghazi, được một số quốc gia Arab ủng hộ. Hồi tháng 10 năm ngoái, hai bên đã ký thỏa thuận ngừng bắn lâu dài dưới sự trung gian bảo trợ của LHQ, qua đó tạm thời chấm dứt xung đột kéo dài gần 1 thập kỉ tại quốc gia Trung Đông này.