(ANTV) - Tờ Đơ Xpi-gơ của Đức dẫn các nguồn tin cho hay, Đức đã thay đổi quan điểm đối với việc cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard 2 cho Ukraine. Chính phủ của Thủ tướng Olaf Scholz cuối cùng đã đồng ý cung cấp vũ khí này cho Kiev.
Theo tuần báo Đức, Thủ tướng Olaf Scholz đã đồng ý cung cấp cho Kiev đủ xe thiết giáp trang bị cho một đại đội xe tăng. Tờ báo trên không nói cụ thể con số xe tăng được cung cấp nhưng một đại đội xe tăng thường gồm ít nhất 16 xe. Dự kiến, trong số xe tăng mà Đức cung cấp, có một trong các biến thể hiện đại nhất của loại xe tăng này, đó là chiếc Leopard 2A6.
Ngoài ra, trong các ngày gần đây, Đức đã bắn tín hiệu về việc họ đã thay đổi quan điểm về việc các nước thứ 3 cung cấp cho Ukraine các xe tăng do Đức sản xuất. Động thái thay đổi của Đức xảy ra trong bối cảnh một số đồng minh của Đức, bao gồm Ba Lan, chỉ trích chính phủ của ông Scholz là lưỡng lự về việc chuyển giao cho Kiev các xe chiến đấu do Đức chế tạo.
Trong khi đó, Nga đã nhiều lần kêu gọi phương Tây ngưng viện trợ vũ khí cho Ukraine. Thư ký báo chí Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc vận chuyển xe tăng Leopard tới Ukraine không phải là tín hiệu tốt cho quan hệ song phương Nga - Đức, vốn đã ở mức khá thấp.
WHO đưa ra lời kêu gọi khẩn cấp liên quan đến siro ho gây nguy hiểm cho trẻ em
Sau khi ghi nhận hơn 300 trẻ nhỏ tử vong tại nhiều quốc gia do sử dụng các loại siro ho, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) vừa ra tuyên bố kêu gọi các quốc gia khẩn trương xử lý và loại bỏ các loại dược phẩm không đạt tiêu chuẩn.
WHO nhấn mạnh trong 4 tháng qua, tổ chức này đã tiếp nhận báo cáo về một số vụ việc liên quan các loại siro ho không kê đơn dành cho trẻ em có chứa hàm lượng diethylene glycol (DEG) và ethylene glycol (EG) ở mức cao. Đây là những hóa chất độc hại được sử dụng làm dung môi công nghiệp và các chất chống đông, chúng có thể gây tử vong dù chỉ nuốt phải một lượng rất nhỏ và lẽ ra không được xuất hiện trong các loại dược phẩm. Các vụ việc như vậy đã được phát hiện tại ít nhất 7 quốc gia, trong khi Gambia, Indonesia và Uzbekistan là 3 nước ghi nhận các trường hợp trẻ nhỏ tử vong do các loại siro họ có chứa những hóa chất độc hại này. Hầu hết là trẻ dưới 5 tuổi.
WHO đã ban bố các cảnh báo toàn cầu về các mặt hàng dược phẩm có liên quan những vụ việc như trên kể từ tháng 10 năm ngoái, đồng thời xác định được 6 công ty dược phẩm tại Ấn Độ và Indonesia sản xuất các loại siro ho gây nguy hiểm cho trẻ em. Tổ chức này khuyến nghị các quốc gia cần kịp thời kiểm tra, phát hiện và loại bỏ khỏi thị trường các loại thuốc nhiễm độc, cũng như tăng cường khâu giám sát chặt chẽ đối với các chuỗi cung ứng.