(ANTV) - Hãng thông tấn IRNA của Iran cho hay, lực lượng Vệ binh cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) tuần trước đã phóng 1 tên lửa mang vệ tinh dùng nhiên liệu rắn lên vũ trụ.
Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran cho biết vụ phóng thử đã thành công, đánh dấu lần đầu tiên Iran sử dụng tên lửa đẩy dùng nhiên liệu rắn thay vì nhiên liệu lỏng như thông thường. Iran cũng sẽ sản xuất động cơ tên lửa nhẹ hơn cho các dự án hàng không vũ trụ trong tương lai.
Các tên lửa đẩy mang vệ tinh thường sử dụng nhiên liệu lỏng, loại dùng nhiên liệu rắn có thể phù hợp với các bệ phóng di động, cho phép vận chuyển tới bất cứ địa điểm nào bằng đường bộ hoặc đường sắt. Tên lửa đẩy sử dụng nhiên liệu rắn thường được dùng cho các hệ thống tên lửa đạn đạo.
Liên quan đến những căng thẳng giữa Nga và Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 13/1 đã có cuộc điện đàm với người đồng cấp phía Ukraine, Oleksii Reznikov để thảo luận về việc Nga tăng cường quân ở bên trong và xung quanh Ukraine. Trong tuyên bố của mình, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ tái khẳng định cam kết của Washington trong việc giúp Ukraine tự vệ.
Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin đã tái khẳng định sự ủng hộ của Mỹ đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, bao gồm nỗ lực nhằm xây dựng năng lực cho các lực lượng của Ukraine thông qua việc hỗ trợ phòng thủ cho nước này. Hai bên cũng bày tỏ sự ủng hộ đối với các nỗ lực ngoại giao nhằm xuống thang căng thẳng đồng thời cam kết tiếp tục phối hợp chặt chẽ trong thời gian tới.
Cùng ngày, Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Jake Sullivan cho biết, Mỹ chưa xác định được liệu Nga có lựa chọn con đường quân sự đối với Ukraine hay không. Ông Sullivan nhấn mạnh, Mỹ sẵn sàng tiếp tục với ngoại giao nhằm thúc đẩy ổn định ở khu vực đó, hiện chưa có thời gian cụ thể về các cuộc tiếp xúc tiếp theo với phía Nga.
Trong khi đó, cũng trong ngày 13/1, trong khuôn khổ cuộc họp của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) tại Vienna (Áo), đại diện phái bộ của Nga tại OSCE khẳng định, Moskva sẽ hành động để bảo vệ an ninh quốc gia nếu nước này không nhận được "phản ứng mang tính xây dựng" từ phương Tây đối với các đề xuất đảm bảo an ninh.
Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương (NOAA) vừa công bố dữ liệu cho thấy, 9 năm liên tục từ 2013 đến 2021 được ghi nhận có nhiệt độ lên tới mức "nóng kỷ lục" và tình trạng này đang gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh với con người rằng khủng hoảng biến đổi khí hậu toàn cầu đã rất gần và nghiêm trọng.
Theo cơ quan trên, trong năm 2021, nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng 0,84 độ C so với mức trung bình của thế kỷ 20, và là năm có nhiệt độ cao thứ 6 tính từ khi thống kê bắt đầu được tiến hành vào năm 1880. Nguyên nhân chính của tình trạng này là do nồng độ ngày càng cao của các loại khí giữ nhiệt như khí thải carbon dioxide.
Những tác động của biến đổi khí hậu ngày càng thấy rõ trong những năm gần đây, trong đó có hàng loạt các vụ cháy rừng xảy ra ở khắp nơi. Tính riêng ở Mỹ, đã có gần 700 người chết trong năm 2021 tại những thời điểm điều kiện thời tiết khắc nghiệt. Với tốc độ ấm lên như hiện nay, các nhà khoa học cho rằng Trái Đất sẽ nóng thêm 1,5 độ C vào năm 2030.