Thứ Sáu, 26/04/2024 18:55 GMT+7
  • ANTV
  • Hotline: 0692324026
  • Email: news@antv.gov.vn

Nhân Văn - Tin Cậy - Kịp Thời - Hấp dẫn

Sự kiện

Thế giới

Nạn mua bán người trên thế giới đang ở mức báo động

(ANTV) - Vụ việc 53 người di cư chết ngạt trong một chiếc xe đầu kéo tại bang Texas, Mỹ hồi cuối tháng 6 vừa qua, đã trở thành một trong những thảm kịch người di cư kinh hoàng nhất trong lịch sử tại Mỹ. 

Còn nhớ hồi tháng 10/2019, thế giới cũng rúng động bởi vụ việc thi thể của 39 người Việt được phát hiện trong một container phía Đông thủ đô London (Anh). Đường dây đưa người nhập cư trái phép trong các vụ việc trên dù được bóc tách và triệt phá phần nào; những kẻ liên quan trực tiếp đã bị pháp luật trừng phạt, song đó chỉ là phần nổi của tảng băng. Tình hình hoạt động tội phạm mua bán người trên thế giới vẫn diễn biến phức tạp với tính chất, phương thức và thủ đoạn ngày càng tinh vi.

Những đứa trẻ lên đường với hy vọng kiếm đủ tiền giúp đỡ cha mẹ và các em thơ. Thanh niên mới lớn từ bỏ giảng đường để tìm hướng khác dẫn đến thành công. Một người chồng, người cha đang làm việc tại “miền đất hứa” trở về nhà thăm vợ con rồi quyết định đưa theo họ hàng quay trở lại Mỹ. Đó là những mảnh đời bất kể gốc gác từ Honduras, Guatemala hay Mexico, nhưng có chung khao khát tìm kiếm một cuộc sống tốt đẹp hơn tại xứ cờ hoa. Những nạn nhân xấu số đặt cược mạng sống trong tay những kẻ buôn người, để rồi tin tức về chiếc xe đầu kéo chất đầy thi thể gieo cảm giác kinh hoàng khắp các thành phố, làng mạc, quê hương của các nạn nhân.

Bà Yolanda Olivares, mẹ nạn nhân bày tỏ: Tôi đã vô cùng suy sụp khi nhận tin và biết trong số nạn nhân thiệt mạng có 2 con tôi. Tôi đã để chúng ra đi một cách đau đớn. Thật khó để chấp nhận.

Theo Bộ Nội vụ Mexico, cứ 10 người di cư từ Guatemala, Honduras hoặc El Salvador vượt biên trái phép vào Mỹ qua Mexico thì có 7 người là nạn nhân của các mạng lưới buôn người, với mức phí trung bình là hơn 4.500 USD/người.

Tại châu Âu, eo biển Manche nối Pháp và Anh trong những năm gần đây đã trở thành tuyến đường buôn người khét tiếng, đồng thời chứng kiến nhiều nguy hiểm với người di cư. Những đối tượng buôn người cũng sử dụng xe tải chở hàng, xe tải thùng kín và ô tô cá nhân để vận chuyển người di cư, từ châu Á, Trung Đông và châu Phi qua khu vực Tây Balkan, Romania và Hungary để đến Áo, Đức và Hà Lan.

Nạn buôn người cũng bùng phát mạnh mẽ trong nhiều năm qua ở châu Á mà đối tượng chủ yếu là nữ giới để phục vụ nhu cầu tình dục và lao động cưỡng bức. Các quốc gia đích tới của nạn buôn người là Australia, Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia và Thái Lan.

Liên hợp quốc (LHQ) ước tính khoảng 25 triệu người trên khắp thế giới đang là nạn nhân của nạn buôn người. Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành trên toàn cầu, cùng với kinh tế sụt giảm và bất bình đẳng gia tăng, có thêm hơn 120 triệu người đang bị đẩy vào cảnh nghèo đói cùng cực, khiến hàng triệu người dễ bị rơi vào cạm bẫy buôn người.

Bà Park Mihyung, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) Việt Nam cho biết: Tội phạm mua bán người vẫn đang âm thầm diễn ra, và ngày càng trở nên phức tạp hơn, đặc biệt là dưới ảnh hưởng của đại dịch COVID-19. Các nhóm dễ bị tổn thương như người lao động di cư, đặc biệt là những người làm việc trong khu vực không chính thức, giúp việc trong gia đình, phụ nữ và trẻ em, đối mặt với nguy cơ ngày càng tăng của bóc lột lao động và nô lệ tình dục. Những thủ đoạn của kẻ buôn người ngày càng trở nên tinh vi hơn. Số vụ việc mua bán thông qua các phương tiện trực tuyến cũng tăng cao trong thời gian gần đây.

Tội phạm mua bán người dùng mạng xã hội như một công cụ tuyển dụng chính, giả vờ làm quen, dụ dỗ những người dễ bị tổn thương bằng những cơ hội việc làm không có thật, sau đó đẩy họ vào các tình huống bóc lột và bạo lực.

Tình trạng buôn người vẫn đang diễn ra trên khắp thế giới, nhức nhối và dai dẳng. Mua bán người đã được Liên hợp quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất, được đưa vào “Chương trình phòng, chống tội phạm toàn cầu”. Những kẻ buôn người tổ chức thành đường dây, ổ nhóm xuyên quốc gia, chính vì vậy đối thoại và hợp tác giữa các chính phủ liên quan là điều vô cùng quan trọng nhằm ngăn chặn, triệt phá các đường dây buôn người.

Thời gian gần đây, giới chức châu Âu liên tục triệt phá nhiều đường dây mua bán người, bắt giữ hàng trăm đối tượng liên quan. Trong chiến dịch mới nhất, ngày 5/7, cảnh sát 5 nước châu Âu đã phối hợp bắt giữ 39 đối tượng chuyên buôn bán người di cư qua eo biển Manche từ Pháp sang Anh.

Ông Ton Van Lierop, người phát ngôn Cơ quan Hợp tác tư pháp tư pháp châu Âu (Eurojust) cho biết: Một chiến dịch đặc biệt đã được tiến hành bởi giới chức 5 nước Anh, Pháp, Đức, Bỉ và Hà Lan, với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác tư pháp tư pháp châu Âu (Eurojust) và Cơ quan Cảnh sát châu Âu (Europol). Chúng tôi cho rằng đây là một trong những chiến dịch lớn nhất từ trước tới nay chống lại hoạt động buôn bán người di cư qua eo biển Manche, đặc biệt là bằng việc sử dụng những chiếc thuyền nhỏ.

Hợp tác quốc tế đang là xu hướng tất yếu, góp phần thiết thực và hiệu quả nhằm đẩy lùi hoạt động mua bán người. Mới đây, Mỹ cùng Mexico, Guatemala và Honduras đã lên kế hoạch thành lập nhóm hành động chung, qua đó thúc đẩy trao đổi thông tin và phối hợp triệt phá các đường dây buôn người.

Tại Hội nghị cấp cao Tổ chức các quốc gia châu Mỹ (OAS) lần thứ 9 vừa diễn ra, lãnh đạo 20 quốc gia tham dự cũng kêu gọi các lực lượng hành pháp, tình báo phối hợp chặt chẽ hơn để ngăn chặn tình trạng di cư bất hợp pháp.

Tại khu vực Đông Nam Á, các nước cũng nhất trí với Công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người nhằm ngăn chặn có hiệu quả nạn buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em; bảo đảm các hình phạt thích đáng và hiệu quả đối với những đối tượng có hành vi buôn bán người; bảo vệ và hỗ trợ một cách hiệu quả các nạn nhân.

Theo bà Park Mihyung: Ngày càng có nhiều kẻ buôn người bị đưa ra trước vành móng ngựa. Số đối tượng bị kết án đã tăng gần gấp ba lần kể từ năm 2003, khi Nghị định thư về việc ngăn ngừa, phòng chống và trừng trị việc mua bán người, bổ sung Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia của Liên Hợp Quốc có hiệu lực. Năm 2015, 10 quốc gia ASEAN cùng thông qua Công ước ASEAN về phòng, chống mua bán người (ACTIP), nhằm thiết lập một khuôn khổ hợp tác khu vực trong công tác phòng chống mua bán người, bổ sung cho các khung hợp tác quốc tế.

Đây là một khuôn khổ hợp tác rất cần thiết nhằm thể hiện cam kết mạnh mẽ của ASEAN, khuyến khích các chính phủ chia sẻ thông tin, phối hợp các chính sách và nỗ lực để hình sự hóa tội phạm mua bán người, hỗ trợ pháp lý lẫn nhau, bảo vệ nạn nhân và truy tố tội phạm. Nhiều biên bản ghi nhớ song phương, đa phương khác cũng đã được ký kết, và nhiều khuôn khổ, sáng kiến cấp khu vực cũng được thiết lập, thể hiện cam kết và sự phối hợp mạnh mẽ giữa các quốc gia trong nỗ lực giải quyết nạn mua bán người. Tuy nhiên, vẫn tồn tại những khoảng trống có thể cản trở quyết tâm chung nhằm chống lại tội phạm này, có thể kể đến như tình trạng thiếu dữ liệu về mua bán người, các mức độ khác nhau trong xác minh, xác định và hỗ trợ nạn nhân bị mua bán.

Với mong muốn đặt chân đến miền đất hứa, thoát khỏi cảnh “địa ngục trần gian” nơi quê nhà, nhiều người đã đặt cược mạng sống trong tay những kẻ buôn người. Chính vì vậy, cộng đồng quốc tế cần ưu tiên các giải pháp mang tính gốc rễ của vấn đề, như tìm kiếm hòa bình và ổn định lâu dài cho các nước đang có chiến tranh và xung đột, hỗ trợ phát triển kinh tế và xã hội, tạo việc làm.

Như Tổng thống Mexico Lopez Obrador đã nhiều lần nhấn mạnh, nếu người di cư không được tạo việc làm ổn định, không được bảo vệ khỏi bạo lực tội phạm, không được bảo đảm an ninh lương thực, bác sỹ và thuốc men, giáo dục và giải trí, đảm bảo sự toàn vẹn về thể chất cho cá nhân và gia đình, không được tôn trọng, bị phân biệt đối xử  di cư sẽ không bao giờ là một lựa chọn tự nguyện mà là một hành động tuyệt vọng.

Bà Park Mihyung, Trưởng Phái đoàn Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) Việt Nam cho rằng nguyên nhân gốc rễ của nạn mua bán người bắt nguồn từ tình trạng đói nghèo và thiếu cơ hội. Bất ổn xã hội và chính trị cũng đóng vai trò quan trọng, buộc mọi người phải rời khỏi quê hương của họ và khiến họ có nguy cơ trở thành nạn nhân bị mua bán. Chúng ta cũng không thể không kể đến vấn đề phân biệt giới, cũng như nhu cầu đối với các dịch vụ mà những người bị mua bán sẽ bị buộc phải cung cấp ở các quốc gia nơi họ đến.

Để ngăn chặn nạn buôn người, chính phủ các nước trước hết cần giải quyết các yếu tố kinh tế-xã hội có thể tạo ra môi trường thuận lợi cho tội phạm buôn người tiếp tục hoành hành. Các chiến lược cần phải hướng tới các cộng đồng bị lề hoá, các nhóm dân số dễ bị tổn thương. Cũng cần đẩy mạnh các hình thức can thiệp tại cộng đồng nhằm tạo ra sinh kế bền vững cho các nhóm có nguy cơ cao bị mua bán, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân về nguy cơ của di cư trái phép và nô lệ thời hiện đại. Trước những bước tiến mới của công nghệ vừa có thể tiếp tay cho nạn mua bán người, nhưng đồng thời cũng là vũ khí hiệu quả để ngăn chặn mối nguy này, điều quan trọng là nâng cao khả năng tự bảo vệ cho mọi người, đặc biệt là trẻ em trong thế giới trực tuyến bằng việc cung cấp kiến thức và các kĩ năng số cần thiết.

Từ năm 2013, Liên hợp quốc chọn ngày 30/7 hàng năm là “Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người”, coi đây như một cột mốc để thế giới quan sát, nhìn nhận về tình hình mua bán người, để từ đó nâng cao nhận thức về tình hình của các nạn nhân nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền của họ. Ngày Thế giới phòng, chống mua bán người năm nay với chủ đề “Sử dụng và lạm dụng công nghệ” khuyến nghị các quốc gia tăng cường hoạt động phòng ngừa và nâng cao nhận thức về sử dụng internet và mạng xã hội an toàn, giúp giảm nguy cơ mua bán người trên không gian mạng, đồng thời tăng cường hợp tác nhằm phát triển các giải pháp bền vững dựa trên công nghệ để hỗ trợ phòng, chống mua bán người./.

Tin mới nhất

Cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo trên mạng dịp nghĩ lễ

Cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo trên mạng dịp nghĩ lễ

Pháp luật 26/04/2024

(ANTV) - Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cảnh báo người dân các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tiền trên mạng xã hội có thể xảy ra trong dịp lễ 30/4-1/5 và mùa du lịch hè, đồng thời khuyến cáo người dân cần tăng cường cảnh giác trước các lời mời quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội.

Triệt phá đường dây sản xuất, mua bán tiền giả số lượng lớn

Triệt phá đường dây sản xuất, mua bán tiền giả số lượng lớn

Pháp luật 26/04/2024

(ANTV) - Sau thời gian theo dõi các đối tượng có hành vi sử dụng tiền giả có mệnh giá lớn trên địa bàn, Công an tỉnh An Giang đã mở rộng điều tra, bắt giữ nhiều đối tượng liên quan, qua đó đã triệt phá thành công đường dây sản xuất, tàng trữ, vận chuyển và lưu hành tiền giả số lượng lớn.

Tin tức nổi bật 24h qua

Tin tức nổi bật 24h qua

Điểm tin 26/04/2024

(ANTV) - Xảy ra mâu thuẫn với shipper Lâm Anh Đạt, hai vợ chồng Trương Đình Nhạt và Nguyễn Thị Thủy trú xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi đã liên tục dùng hung khí hành hung khiến anh Đạt gãy hai tay, tổn hại sức khỏe 24%.

Khởi tố, bắt đối tượng Dương Hồng Hiếu

Khởi tố, bắt đối tượng Dương Hồng Hiếu

Pháp luật 26/04/2024

(ANTV) - Sáng ngày 26/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Kiên Giang đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Dương Hồng Hiếu, trú thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang về tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Nâng cao năng lực tổ liên gia PCCC

Nâng cao năng lực tổ liên gia PCCC

Xã hội 26/04/2024

(ANTV) - Có thể thấy, sau khi được thành lập, Tổ liên gia PCCC trên địa bàn cả nước đã phát huy tính hiệu quả trong công tác PCCC. Tuy nhiên, để công tác chữa cháy đi vào chiều sâu, tránh hình thức, Công an tất cả quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thường xuyên tổ chức rèn luyện kỹ năng, đa dạng hóa các tình huống chữa cháy thông qua các Hội thi. Mục tiêu hướng đến nhằm lan tỏa, huy động sức mạnh toàn dân tham gia phong trào PCCC.

Thêm nhiều chiêu thức lừa đảo mới trên mạng xã hội

Thêm nhiều chiêu thức lừa đảo mới trên mạng xã hội

Pháp luật 26/04/2024

(ANTV) - Người dùng mạng xã hội thời gian gần đây không còn quá xa lạ với những chiêu thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Mặc dù đã được cảnh báo và nâng cao cảnh giác nhưng phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sử dụng liên tục biến đổi nên nhiều người vẫn mắc bẫy. Các chiêu thức mới có thể kể ra như: giả danh cán bộ công chức nhà nước, đăng tin tuyển dụng với mức lương cao hay thành lập các tổ chức doanh nghiệp không có thật nhằm huy động vốn, trả lãi suất cao.

Xem thêm