(ANTV) - Trong suốt lịch sử thế giới, chiến tranh khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa hay chạy khỏi đất nước để lánh nạn. Họ buộc phải trải qua những cuộc hành trình dài để tìm kiếm sự an toàn. Thế nhưng, dù có toàn mạng vượt đại dương, không phải lúc nào hành trình tìm kiếm miền đất hứa của những người tị nạn cũng đạt kết quả như ý. Tại trại tị nạn Calais, Pháp, những người tị nạn đang lâm vào cảnh “không chốn dung thân” khi giới chức châu Âu chưa thể đưa ra quyết định về số phận của họ.
Trại tị nạn Calais, miền Bắc nước Pháp, những người di cư từ các nước bị chiến tranh tàn phá như Sudan, Afghanistan vẫn đang xoay sở với cảnh sống tạm bợ trong những chiếc lều lán. Họ vẫn cố bám trụ, nuôi hi vọng về một cuộc sống mới, bình yên, xa rời bom đạn và chết chóc, bất chấp phải đối diện với nguy cơ bị trục xuất trở lại châu Phi.
Anh Ahmed, người tị nạn Sudan bày tỏ: Tôi chạy trốn khỏi Sudan từ 4 năm trước và đặt chân đến Calais từ 7 tháng trước. Tôi đang hi vọng có thể tới Anh để bắt đầu một cuộc sống mới.
Vừa qua, chính quyền Anh đã ký một thỏa thuận với Rwanda để chuyển người nhập cư bất hợp pháp sang quốc gia Đông Phi này. Theo đó, những người nhập cư vào Anh bất hợp pháp từ ngày 1/1/2022 có thể bị đưa sang Rwanda và được xử lý đơn xin tị nạn ở đó, hoặc được hỗ trợ để tái định cư tại đây. Trong khi đó tại Calais, giới chức Pháp đã nhất quyết xóa sổ các khu trại bất hợp pháp, nhưng tới nay, vẫn có nhiều nhóm người lẩn trốn trong rừng Calais, kiên trì chờ thời cơ vượt biển.
Anh Ahmed, người tị nạn Sudan cho biết thêm: Tôi đã nghe người ta đồn về việc đưa chúng tôi tới Rwanda hay trục xuất chúng tôi trở về châu Phi. Nếu như điều đó là sự thật, chắc rằng tôi và nhiều người ở đây chẳng biết phải làm gì nữa. Nếu như trở về Châu Phi có lẽ tôi sẽ chết chắc.
Anh Tamin Omerzai, người tị nạn Afghanistan chia sẻ: Tôi sẽ quyết tâm tới Anh, nếu quay lại Châu Phi, tôi không biết phải làm gì.
Theo ước tính của cảnh sát Pháp, tới thời điểm cuối năm 2019, vẫn có khoảng 300 - 400 người nhập cư bất hợp pháp sống tạm bợ trong những vạt rừng thưa ven bờ biển Calais. Thương cảm trước cảnh “không chốn dung thân” của những người tị nạn chiến tranh, nhiều tổ chức phi lợi nhuận đã vận động để chính phủ Anh tìm một giải pháp khác đối với những người di cư này, vì mục đích nhân đạo. Trong khi đó, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn thể hiện quan điểm rõ ràng rằng, thỏa thuận chuyển người di cư từ Anh sang Rwanda là hoàn toàn sai.
Cô Clare Moseley, Tổ chức phi lợi nhuận Care4Calais cho biết: Chúng tôi đã vận động tích cực để ngăn chính phủ Anh ra quyết định gửi những người tị nạn tới Rwand. Chúng tôi quan ngại sâu sắc về phản ứng của những người tị nạn ở đây khi đối diện với quyết định này. Sau tất cả những gì họ đã trải qua, việc phải quay lại điểm bắt đầu là châu Phi là một sự thật tàn nhẫn. Những người tị nạn, họ thực sự sợ hãi khi phải quay lại châu Phi.
Theo ông Filippo Grandi - Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn: Tôi tin rằng thỏa thuận này là hoàn toàn sai trái. Chúng ta đang nói về một quốc gia xuất khẩu trách nhiệm của mình sang một quốc gia khác. Về cơ bản, Rwanda được yêu cầu xác định tình trạng người tị nạn thay cho Vương quốc Anh, Rwanda không có thẩm quyền để thực hiện công việc đó.
Trong khi đó, Chính phủ Anh bảo vệ quan điểm rằng chính sách này sẽ giáng một đòn mạnh vào hoạt động di cư bất hợp pháp, khiến người di cư chùn bước và qua đó hạn chế cơ hội trục lợi của các nhóm buôn người. Bộ Nội vụ Anh cho biết, đội ngũ pháp lý của cơ quan đang xem xét mọi quyết định được đưa ra, tuy nhiên không phủ nhận việc tổ chức một chuyến bay sớm nhất để đưa người tị nạn bất hợp pháp tới Rwanda theo kế hoạch cũ.
Chỉ riêng trong 5 tháng đầu năm 2022, hơn 10 nghìn di cư đã vượt eo biển Manche để tìm đường vào nước Anh. Hàng chục người chen nhau trên những con thuyền nhỏ bấp bênh, nguy hiểm. Trong bối cảnh thế giới vẫn phát sinh nhiều điểm nóng xung đột, có thêm hàng triệu người buộc phải rời bỏ nhà cửa, thì giới chức Châu Âu sẽ còn tiếp tục đau đầu tìm lời giải đồng thuận cho bài toán di cư.