Theo Tổng thống Salih, việc tổ chức bầu cử sớm, phù hợp với đồng thuận quốc gia, sẽ mở ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay, đảm bảo sự ổn định chính trị, xã hội và đáp ứng nguyện vọng của người dân Iraq.
Tuyên bố được đưa ra vài giờ sau khi những người ủng hộ giáo sĩ Hồi giáo dòng Shiite Moqtada al-Sadr rút khỏi Vùng Xanh ở thủ đô Baghdad theo lời kêu gọi chấm dứt biểu tình của ông. Quân đội Iraq sau đó cũng đã dỡ bỏ lệnh giới nghiêm toàn quốc, vốn được áp đặt từ hôm 29/8 do xảy ra nhiều cuộc đụng độ giữa người biểu tình và lực lượng an ninh, khiến 30 người thiệt mạng và ít nhất 570 người bị thương.
Phần Lan sẽ hạn chế thị thực với công dân Nga
Phần Lan đã trở thành quốc gia tiếp theo trong Liên minh châu Âu (EU) tuyên bố hạn chế thị thực với công dân Nga. Truyền thông nhà nước Phần Lan đưa tin, kể từ đầu tháng 9, mỗi tuần nước này sẽ chỉ chấp nhận khoảng 100 đơn xin thị thực du lịch từ công dân Nga.
Cụ thể, Phần Lan sẽ chỉ chấp nhận đơn xin thị thực du lịch vào các ngày thứ 2 và chỉ ở 4 thành phố, gồm St. Petersburg, Petrozavodsk, Murmansk và Moskva. Ngoại trưởng Phần Lan Pekka Haavisto cho biết, quyết định này được đưa ra bởi Phần Lan không muốn trở thành quốc gia trung chuyển để các công dân Nga tới các nước châu Âu khác.
Hiện Ngoại trưởng Haavisto đang có mặt tại thủ đô Prague của CH Séc để tham dự hội nghị không chính thức các ngoại trưởng EU, trong đó thảo luận về những tác động ngắn hạn và dài hạn của cuộc xung đột tại Ukraine, bao gồm cả vấn đề chính sách thị thực đối với công dân Nga.
Tuy nhiên, hiện vấn đề này đang gây chia rẽ trong EU. Trong khi Phần Lan và các quốc gia vùng Baltic ủng hộ thúc đẩy lệnh cấm thị thực đối với du khách Nga trên toàn EU, thì nhiều nước như Hungary, Luxembourg, Áo... lại phản đối, cho rằng điều này có thể vi phạm các quy định của khối.
Một số nguồn tin ngoại giao cho hay EU dự kiến giảm số lượng thị thực được cấp cho công dân Nga, nhưng sẽ không cấm hoàn toàn và việc xin giấy thông hành sẽ trở nên phức tạp và tốn kém hơn đáng kể.