(ANTV) - Cây khèn cùng những điệu múa khèn truyền thống mang ý nghĩa sâu sắc trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Mông ở các huyện vùng cao tỉnh Hà Giang. Chính vì vậy cây khèn luôn được người dân nơi đây gìn giữ qua nhiều thế hệ.
Mua Mí Tủa, sinh năm 1985, nhưng đã là một nghệ nhân làm khèn của đồng bào Mông ở huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Đam mê tiếng khèn từ bé, lớn lên học thổi khèn và giờ anh đã có thể tự tay làm khèn. Theo Mua Mí Tủa, muốn làm được khèn hay thì trước hết phải biết thổi khèn, biết cảm thụ cung bậc của tiếng khèn thì mới làm được cái khèn tốt.
Văn hóa hiện đại đang hiện diện khắp các thôn bản vùng cao, thế nhưng niềm đam mê tiếng khèn với những chàng trai Mông chưa bao giờ dứt. Khi những nghệ nhân lớn tuổi giờ đã già yếu, ít người theo nghề, thì những chàng trai trẻ ở bản Mông chính là thế hệ “tiếp lửa” cho tiếng khèn của người Mông mãi ngân vang.
Trong những năm qua, tỉnh Hà Giang thực hiện nhiều chương trình nhằm khôi phục, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số , trong đó có việc gìn giữ nghề làm khèn của đồng bào Mông. Ngoài ra, các huyện vùng cao của tỉnh cũng mở hàng trăm lớp đào tạo ngắn hạn về nghề làm khèn Mông cho thế hệ trẻ.
Khèn trong cuộc sống của người Mông là một nhạc cụ không thể thiếu và là một phần quan trọng tạo nên nét văn hóa đặc sắc của đồng bào. Khèn Mông độc đáo bởi hình dạng, cấu tạo và chức năng tạo âm thanh của nó. Chế tác khèn cũng vô cùng độc đáo, không có quy chuẩn chung. Các nghệ nhân làm khèn đều đo bằng tay và ngắm bằng mắt để chế tác, không có nguyên tắc chung nhưng để có được cây khèn ưng ý, thổi được đúng các làn điệu dân ca Mông, cần sự khéo léo, kiên nhẫn và kinh nghiệm./.
Theo kế hoạch, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang sẽ tổ chức Lễ hội khèn Mông lần thứ VII năm 2021 trong 3 ngày từ 30/4 đến ngày 2/5, diễn ra tại Trung tâm chợ khu phố cổ Đồng Văn và xã Phố Là với nhiều nội dung phong phú, mang đậm nét văn hoá của đồng bào các dân tộc nơi đây. Cùng với đó, ban tổ chức sẽ tái hiện Lễ cúng thần rừng của dân tộc Pu Péo và tổ chức Ngày hội các dân tộc xã Phố Là với hoạt động trải nghiệm hoa Tam giác mạch vụ Xuân - hè./.
Chương trình giao hưởng quy tụ 100 nghệ sĩ Bắc - Nam
Tối ngày 24/4, nhà hát lớn TP.HCM đã đánh dấu sự hợp tác lớn nhất từ trước đến nay trong lĩnh vực giao hưởng thính phòng. Trên 100 nghệ sĩ giao hưởng của Việt Nam đã quy tụ, trình diễn tác phẩm 3 nhà soạn nhạc lừng danh người Đức.
Sáng ngày 24 - 25/4, người dân TP. HCM có cơ hội thương thức, trải nghiệm nghệ thuật vẽ tranh đường phố Graffiti tại khuôn viên lãnh sự quán Pháp. Hoạt động này đã khởi động, liên hoan nghệ thuật đường phố đầu tiên Việt - Pháp tổ chức tại Việt Nam.