(ANTV) - Tết Nguyên đán Nhâm Dần là một cái tết đặc biệt với bao người do ảnh hưởng của dịch bệnh. Bên cạnh nỗi lo về vấn đề An toàn thực phẩm trong ngày tết, giờ đây mọi người còn ý thức hơn trong công tác phòng dịch, đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình. Trong bối cảnh đó, nhiều gia đình đã không thể về quê đoàn tụ với người thân. Nhưng dù ăn tết xa quê, mỗi người cũng đã tự chọn cho mình một cách đón tết riêng, và bày tỏ tình cảm riêng đối với những người thân yêu.
Năm nay là 1 năm tết đặc biệt của gia đình chị Thành. Dịch bệnh vẫn diễn ra căng thẳng. Vì để đảm bảo an toàn cho mọi người ở quê nhà, năm nay gia đình nhỏ của chị quyết định đón tết ở Hà Nội chứ không về 2 bên nội ngoại. Trước khi có dịch, cứ mỗi dịp tết gia đình chị lại khăn gói bay sang Hàn Quốc thăm nhà chồng; nhưng vì dịch bệnh phức tạp, đã 3 năm gia đình chị không thể sang hàn, con cháu chỉ có thể gặp ông bà qua màn hình điện thoại.
Dù phải đón 1 cái tết xa quê nhưng chị Thành luôn cố gắng chu toàn mọi thứ để gia đình, con cái vẫn cảm nhận được không khí tết truyền thống. Là 1 gia đình đa văn hóa, vợ Việt, chồng hàn, trong mâm cỗ ngày tết của gia đình chị luôn có đủ các món ăn đặc trưng trong ngày tết của cả 2 đất nước. Thời đại công nghệ thông tin, có nhiều cách thức để biểu đạt nỗi niềm thương nhớ, những lời chúc mừng, sự quan tâm. Gia đình chị Thành luôn biết cách tự tạo cho mình cái tết trọn vẹn, dù xa quê nhưng vẫn đầy ắp tình nhà, thường xuyên chia sẻ với gia đình 2 bên nội ngoại qua màn hình điện thoại
Tết năm nay với nhiều người sẽ là 1 cái tết đặc biệt vì ăn Tết xa quê trở thành tình hình chung của rất nhiều người. Đoàn tụ không còn gói gọn bởi định nghĩa sum họp trực tiếp, đoàn tụ với họ giờ đây chính là được cùng gia đình chia sẻ niềm vui ngày Tết thông qua sự hỗ trợ của công nghệ.
Dịch bệnh covid 19 căng thẳng làm thay đổi nhiều điều nhưng những giá trị truyền thống thì vẫn được lưu giữ. Ví dụ như phong tục tặng bao lì xì là một nét đẹp văn hóa trong ngày Tết Cổ truyền của dân tộc ta. Với mỗi bao lì xì cho trẻ nhỏ, người lớn đều mong muốn sẽ gửi gắm đến các em lời chúc về sức khỏe, niềm vui và những sự tốt lành. Năm nay dịch bệnh khiến văn hóa đọc phát triển vì nhiều người tìm đến sách như 1 liệu pháp cứu rỗi tâm hồn. Vì thế, phong trào lì xì bằng sách cũng lên ngôi, mang đến những giá trị tinh thần đối với không ít người. Anh Minh là người đam mê đọc sách và những ngày gần tết, anh dành nhiều thời gian đến hiệu sách tìm mua sách để lì xì cho con, cho trẻ nhỏ và bạn bè.
Không chỉ mua sách, anh Minh còn tỉ mì bọc cẩn thận từng cuốn, viết thiệp cho từng người. Thông qua việc lì xì bằng sách, anh muốn truyền cảm hứng cho mọi người, nhất là trẻ em về ý thức đọc sách, tình yêu với sách, một thế giới mà chúng nên tiếp cận, thay vì nhận được tiền lì xì từ khi còn bé. Theo anh, năm nay là 1 năm đầy biến động, nhiều lần chuyện học tập ở trường lớp của học sinh bị gián đoạn. Các con đã dần quen với việc tự tìm tòi, đọc hiểu tài liệu để phục vụ việc học và cũng có nhiều thời gian dành cho việc khám phá thế giới sách vở. Còn đối với người lớn, đọc sách trong thời điểm cả thế giới ngập tràn lo âu như hiện nay là cách để giữ tâm tĩnh lặng, giúp bản thân không bị xao nhãng bởi những ồn ào xung quanh, không bị phân tâm bởi cảm xúc tiêu cực bên ngoài.
Tết cổ truyền năm nay là cái Tết vô cùng đặc biệt, do dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp. Những lần phải thực hiện giãn cách xã hội làm tất cả mọi người cảm nhận sâu sắc sự khó khăn trong cuộc sống và ước ao đến mức nào về một cái Tết sum vầy, Tết đoàn viên. Dù vậy, mỗi người đều chọn cho mình một cách riêng để chào đón năm mới. Dù ăn tết ở xa quê, đón tết 1 cách tối giản, lì xì đề cao những giá trị tinh thần thay vì vật chất. Dù trong hoàn cảnh nào, mọi người cũng lạc quan tìm được niềm vui trong ngày tết và mong 1 năm mới dịch bệnh sớm qua để người dân lại được trao nhau những nụ cười và cái nắm tay, cái ôm mà không lo lắng điều gì.