(ANTV) - Gia đình là nơi trú ngụ của hạnh phúc, cái nôi nuôi dưỡng và giáo dục trẻ thơ, nơi trở về sau mỗi lần vấp ngã đối với mỗi con người. Nhưng trong nhiều trường hợp, bạo lực đang trở thành một trong những nguy cơ biến gia đình thành “địa ngục trần gian”. Bạo lực gia đình vẫn là vấn đề nhức nhối trong đời sống xã hội hiện nay. Có rất nhiều trường hợp phụ nữ và trẻ em được điều trị tại các bệnh viện do nạn bạo lực gia đình gây nên. Những vết thương của họ không chỉ đơn thuần là vết thương cơ thể mà ẩn sâu là nỗi đau tinh thần khó nguôi ngoai.
Theo cháu D, mỗi lần cáu gắt là bố hay đánh con. Có lần nấu mì, xong bỏ đấy thay quần áo, bố đánh vào vai và mông, đánh đau. Khi đi học về nấu cơm, xin tiền bà không được bố đập phá hết đồ. Bà vào bênh bảo: Đừng làm thế nữa, tao xin mày. Bố kệ và đánh con tiếp.
Nỗi đau đã hằn sâu trong tâm trí D, những tưởng em sẽ mãi chẳng thoát ra khỏi bóng đêm ấy. Thế nhưng cuộc đời cũng rất công bằng với em, khi mang đến cho em ngôi nhà đầy ắp tình thương tại trung tâm Linh Quang. Em không còn sống trong sự thấp thỏm tại chính ngôi nhà của mình và với chính người thân.
D cho biết, khi đến trung tâm ở, con thấy cuộc sống tốt hơn, không lo nghĩ về việc bố đánh, mọi người vui vẻ hòa đồng. Con về con cũng thấy run.
Cô Lê Thị Thu Thủy, giáo viên Trung tâm Nuôi dưỡng và Dạy nghề nhân đạo Linh Quang chia sẻ: Những ngày đầu D đến trung tâm, bạn ý buồn, tự ti nhưng sau 1 thời gian thì cũng năng động, con làm tốt. Khi D kể lại trước bố con thế này, mình cũng an ủi bạn ý và dần kể cho bạn ý về những câu chuyện tích cực để bạn ý quên dần đi và yêu đời hơn.
Không giống D, T lại là kết quả của một tình yêu ngang trái, mẹ sinh T khi chưa đủ 18 tuổi. Sau khi sinh, em cũng chưa từng được gặp mẹ và hoàn toàn được nhà nội nuôi dưỡng. Suốt một thời gian dài, T bị người chú ruột thường xuyên đánh đập bằng tất cả đồ dùng có trong nhà. Không thể chịu đựng những chuỗi ngày kinh hoàng ấy, T đã quyết định bỏ nhà đi khi 16 tuổi.
T cho biết: Em ở đấy không làm gì cũng bị đánh, đánh bừa chứ không phải dậy dỗ, với được cái gì đánh cái đấy, nhiều khi đi hoc tay chân lằn hết, có khi dính cả máu ạ. Bạo lực cả ngôn ngữ, về bố mẹ ruột để nói như này như kia, có lần em đi tìm mẹ em cũng bị đánh, em bị ngăn cấm tìm mẹ. Bây giờ nhận thức được nhiều hơn thì càng tủi thân, vì em chưa được hỗ trợ, chữa lành kip thời, em sống như bản năng sinh tồn, cố gắng sống vì em bỏ nhà đi lang thang.
May mắn được được một người phụ nữ nhận nuôi, T kết thúc những chuỗi ngày “không gia đình”. 5 năm đã trôi qua, thế nhưng những kí ức đau buồn của quá khứ vẫn thường xuyên dội lại.
Với T, những vết thương ấy sẽ luôn là nỗi ám ảnh với cuộc đời em. Em đã vẽ vết thương của mình lên những bức tranh. Những bức tranh được ra đời chứa đựng những tâm lý bất ổn của em trong quá khứ và ngay cả ở hiện tại. T cho biết, trong xóm họ thờ ơ, kệ, mình cũng chịu đựng, chịu đau, trầy xước hết người, nhà trường cũng phát hiện vết thương cũng gọi gia đình lên khuyên can nhưng về thì đâu lại về đấy. Bảo quên thì làm sao quên được, nó vẫn cứ hiện lên. Nó ảnh hưởng tâm lí em lớn, đôi khi em bi trầm cảm, em tự hại mình, tìm đến tiêu cực như tự tử, hút thuốc lá. Lúc em về với mẹ, em như con ngựa hoang, đôi lúc giờ vẫn nổi loạn nhưng cũng biết yêu thương, thay vì bất cần như trước.
Đây chỉ là 2 trong rất nhiều trường hợp bị ảnh hưởng của bạo lực gia đình. Bạo lực gia đình tuy không mới nhưng nó vẫn luôn là nỗi ám ảnh của những người trong cuộc và tất cả chúng ta
Theo bà Khuất Thịv Hải Oanh, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ và Phát triển cộng đồng (SCDI): Bạo hành gia đình trẻ nhỏ ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần, các hành vi chống đối xã hội, tạo nên trải nghiệm tiêu cực thời thơ ấu. Nó là những vết thương khó lành, có thể không bao giờ lành. Không phải thỉnh thoảng dội lại mà ảnh hưởng toàn cuộc đời, để lại vết sẹo trong cuộc đời.
Thời gian qua, liên tiếp những vụ việc bạo hành trẻ em đã được phát hiện với mức độ vô cùng nghiêm trọng: Tháng 2/2020, một người cha đã bạo hành con ruột 4 tháng tuổi gây xuất huyết não với thương tích 37%. Cuối năm 2020, dư luận bàng hoàng trước vụ việc bé gái 3 tuổi bị mẹ ruột và cha dượng bạo hành tử vong tại Hà Nội. Đầu năm 2021, một bé gái 12 tuổi ở Hà Đông đã bị chính mẹ bạo hành và người tình của mẹ xâm hại tình dục.
Luật sư Nguyễn Hồng Tâm, Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội cho biết: Theo quy định pháp luật quy định rõ, đối với những hành vi xâm phạm, bạo lực trẻ em xử phạt từ 5 đến 10 triệu, tùy theo mức độ của hành vi có thể truy tố trách nhiệm hình sự, về các tội cố ý gây thương tích hoặc hành hạ người khác. Pháp luật có quy định chi tiết về bảo vệ các cháu, quyền hạn chế chăm nuôi có thể tước quyền nuôi các cháu nếu có bạo hành, cha hoặc mẹ bị tước thì người còn lại được nuôi, hoặc người giám hộ hợp pháp, các tổ chức xã hội địa phương.
Đại dịch COVID-19 không chỉ gây ảnh hưởng trầm trọng tới kinh tế, xã hội mà còn là tác nhân gia tăng tình trạng bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em. Số cuộc gọi, tin nhắn tới đường dây nóng và nạn nhân tìm tới Trung tâm phụ nữ và phát triển đã tăng gấp đôi trong thời gian phong tỏa và giãn cách xã hội; và tăng gấp 7 lần trong năm 2020 so với năm 2019.
Nhiều người đã bám vào quan điểm “thương cho roi cho vọt” để sử dụng kỷ luật bạo lực với trẻ nhỏ. Những vết thương trên cơ thể sẽ được chữa lành, thế nhưng những nỗi đau về tâm lý sẽ đi theo các em cả cuộc đời. Trẻ em vẫn luôn là đối tượng yếu thế, cần được bảo vệ. Và hơn hết, gia đình không phải là nỗi kinh hoàng, gia đình là nơi để yêu thương.