(ANTV) - Tội phạm mua bán người đã trở thành một vấn nạn toàn cầu và được Liên Hợp Quốc xác định là một trong bốn loại tội phạm nguy hiểm nhất. Tại Việt Nam, mỗi năm các cơ quan chức năng đã phát hiện xử lý hàng trăm vụ án mua bán người. Cùng với việc tăng cường đấu tranh phát hiện, điều tra, xử lý vụ việc mua bán người thì công tác hỗ trợ pháp lý, bảo vệ nạn nhân tại Việt Nam cũng từng bước được cải thiện, tập trung nhiều hơn với mục tiêu giúp nạn nhân có thể tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.
Theo thống kê trong 2 năm 2019-2020, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã phát hiện gần 300 vụ mua bán người với hơn 300 đối tượng, lừa bán gần 500 nạn nhân. Và trong số các vụ mua bán người bị phát hiện, có 95% số vụ là xuyên biên giới và chỉ có 5% là ở trong nước.
Điều này đòi hỏi phải tăng cường hợp tác quốc tế trong phòng chống mua bán người giữa Việt Nam với các nước ASEAN và trên thế giới. Trong đó, bên cạnh việc kịp thời phát hiện, điều tra, xác minh, phối hợp giải cứu thì công tác hỗ trợ pháp lý cần thiết để hồi hương nạn nhân bị mua bán về nước, hỗ trợ cuộc sống nạn nhân khi trở về, cũng là vấn đề đang được đặt ra.
Tại Lào Cai, thông qua hình thức hỗ trợ khi đưa "Nhà nhân ái" vào hoạt động. Đến nay sau hơn 10 năm, "Nhà nhân ái" đã tiếp nhận và hỗ trợ hơn 200 nạn nhân bị buôn bán trở về. Tại đây, những nạn nhân sẽ được hỗ trợ về cuộc sống hằng ngày cũng như đáp ứng các nhu cầu như học tập, hay việc làm với mong muốn họ có được nghề nghiệp ổn định trong tương lai. Đây cũng là một trong những kết quả của việc hỗ trợ tư pháp, pháp lý quan trọng đối với những nạn nhân bị mua bán.
Trong công ước ASEAN về phòng, chống buôn bán người, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em đã xác định, bảo vệ và hỗ trợ các nạn nhân bị mua bán một cách hiệu quả. Đây cũng là nội dung được các đại biểu nhấn mạnh khi thảo luận tại Hội thảo về nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế trong phòng chống mua bán người vừa được tổ chức tại Lào Cai. Theo đó, việc hoàn thiện thủ tục tư pháp giữa Việt Nam và các nước sẽ kịp thời triển khai các biện pháp bảo hộ công dân, nhất là nạn nhân bị mua bán, nhằm đảm bảo và lợi ích của nạn nhân.
Năm 2020, Bộ lao động thương binh và xã hội đã đăng tải lấy ý kiến góp ý xung quanh dự thảo Thông tư quy định định mức kinh tế - kỹ thuật các dịch vụ hỗ trợ khẩn cấp, hỗ trợ phục hồi và hỗ trợ hòa nhập cộng đồng cho nạn nhân bị mua bán trở về. Đây cũng sẽ là cơ sở trợ giúp pháp lý quan trọng giúp các nạn nhân nhận được các hỗ trợ cần thiết tại các cơ sở bảo trợ và tại cộng đồng. Từ đó có thể tái hòa nhập cộng đồng một cách bền vững.