(ANTV) - Các tỉnh Trung Trung Bộ từ tối 27/9 đã có mưa to và gió lớn, một số nơi đã có thiệt hại ban đầu do bão gây ra.
Đến thời điểm này, do ảnh hưởng của bão số 4, tại tỉnh Quảng Trị đã có mưa to đến rất to. Một số nơi đã có gió mạnh như tại đảo Cồn Cỏ gió mạnh cấp 7, giật cấp 8. Cấp độ rủi do thiên tai do bão đối với Quảng Trị là cấp 3. Nghiêm trọng hơn, xuất hiện một trận lốc xoáy mạnh quét qua thị trấn ven biển Cửa Việt, huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị vào lúc 15 giờ chiều nay đã gây thiệt hại nặng nề về nhà cửa, trụ sở, cây cối…
Theo báo cáo ban đầu, có khoảng 300 nhà dân và lều quán, các gian hàng ở chợ Cửa Việt bị sập và tốc mái, 4 người bị thương. Hiện nay, huyện Gio Linh đang huy động các lực lượng tại chỗ khẩn trương khắc phục hậu quả, đồng thời sắp xếp nơi ăn nghỉ tạm thời cho những người dân bị tốc mái nhà.
20h tối tại cửa biển Sa Cần, Quảng Ngãi bắt đầu có gió và mưa ngày càng to. Đảo Lý Sơn đã ghi nhận gió bão mạnh cấp 9-10 giật cấp 11 có lúc giật cấp 12 kèm theo mưa to đến rất to. Sóng biển dâng cao tràn qua tuyến kè Đông Nam đảo. Chính quyền Quảng Ngãi đã phát đi thông báo, chống bão và lên phương án chống lũ. Hiện tại, hồ thủy điện Đăkdrinh (lớn nhất tỉnh) đang phải xả lũ điều tiết để đón lượng mưa lớn.
Các khu vực hạ du lưu vực sông lớn như Trà Bồng, Trà Khúc, Trà Câu nhiều khả năng sẽ có lũ về. Chính quyền địa phương đang sẵn sàng lực lượng để bảo vệ tài sản của người dân trong trường hợp có vùng bị nước cô lập. Thiệt hại của người dân sẽ nặng nề hơn. Vì thế, tỉnh Quảng Ngãi đang tính toán nhiều kịch bản diễn ra và phương án xử lý hậu quả của bão và chống lũ sau khi bão tan.
Đến 20h30, tại Đà Nẵng những cơn gió thổi mạnh, mưa xối xả. Trong khi đó, lực lượng chức năng đã đóng cầu Thuận Phước (vì gần cửa biển) để không cho người và phương tiện lưu thông. Ở dưới sông Hàn, nhiều ngư dân vẫn ở lại trên thuyền, chưa chịu lên bờ theo yêu cầu của chính quyền.
Trước tình hình đó, Cảnh sát giao thông Công an Đà Nẵng đã cử cán bộ, chiến sĩ phối hợp với Thủy đoàn, Bộ đội biên phòng, Công an quận Ngũ Hành Sơn tổ chức xuống từng tàu, thuyền vận động đưa người dân lên bờ trú tránh. Trên các tuyến đường trung tâm Đà Nẵng rất ít người di chuyển. Tại một số tuyến đường đã xuất hiện cây xanh ngã đổ. Công an Đà Nẵng vận động ngư dân dưới tàu lên bờ trú bão.
Theo ghi nhận tại Thừa Thiên Huế, các lực lượng Công an địa phương đang nỗ lực, khẩn trương hơn trong việc kêu gọi, giúp đỡ người dân vùng nguy hiểm, nhà tạm, dột nát di tản đến nơi trú ẩn an toàn. Tại các điểm xung yếu, cán bộ chiến sĩ Công an, quân đội đã đội mưa đến từng nhà vận động, cõng người tàn tật, người già neo đơn, đưa người bệnh đến được những ngôi nhà cao tầng kiên cố để phòng tránh bão số 4.
Tính đến 20 giờ ngày 27/9 đã di dời 14.450 hộ với 45.051 khẩu. Về cơ bản Thừa Thiên Huế đã sơ tán dân tại các vùng nguy hiểm.
Đến tối 27/9, trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã xuất hiện mưa to đến rất to, lượng nước trên các sông đang lên nhanh; nguy cơ ngập lụt ở nhiều nơi, sạt lở cao tại các huyện Đăk Glei, Kon Plong, Tu Mơ Rông, Kon Rẫy.
Hiện nay, tỉnh đã di dời 519 hộ dân với 1.654 nhân khẩu, dự kiến tiếp tục di dời gần 100 hộ với gần 900 khẩu. 11 điểm trường nằm trong vùng nguy cơ sạt lở, ngập úng cần phải di dời. Kon Tum đã chuẩn bị đầy đủ nhân lực, vật lực sẵn sàng ứng phó với mọi hình thái thiên tai trước, trong và sau bão số 4.
Tích cực phòng, chống cơn bão Noru
Trước những diễn biến nhanh và phức tạp của bão Noru, để có thêm những thông tin chi tiết về cơn bão này, phóng viên ANTV đã có mặt tại Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia và có cuộc trao đổi nhanh với ông Mai Văn Khiêm, Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia.