(ANTV) - Trong thời gian vừa qua, trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh covid 19, các lực lượng chức năng đã liên tục tổ chức các chốt phòng chống dịch bệnh tại một số địa phương trên cả nước. Đa số người dân đều chấp hành, tuy nhiên thời gian vừa qua cũng xuất hiện không ít trường hợp chống người thi hành công vụ, đặc biệt là chống đối Cảnh sát sát giao thông.
Ngày 28/5, tại chốt kiểm soát dịch Covid-19 trên QL1 đoạn qua TP Đà Nẵng. Khi lực lượng CSGT yêu cầu xe khách BKS 76B-010.22 của nhà xe Chín Nghĩa chạy hướng Nam-Bắc dừng xe kiểm tra hành trình, yêu cầu lái, phụ xe cùng hành khách khai báo y tế thì tài xế chống đối, nhổ nước bọt, tấn công CSGT.
Ngày 1/6, cơ quan CSĐT Công an huyện Hòa Vang ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam lái xe Nguyễn Quốc Tuấn để điều tra hành vi "Chống người thi hành công vụ". Đây chỉ là một trong số nhiều vụ chống người thi hành công vụ xảy ra trong thời gian gần đây.
Theo chuyên gia nghiên cứu tội phạm, hành vi chống người thi hành công vụ gia tăng xuất phát từ trạng thái tâm lý không tốt của một số người tham gia giao thông, bên cạnh đó là sự thiếu văn hóa ứng xử, không tuân thủ các quy định pháp luật. Đặc biệt, một số trường hợp nhận thức còn hạn chế, thiếu hiểu biết về pháp luật nói chung và pháp luật về trật tự, an toàn giao thông nói riêng nhưng lại có tâm lý thích thể hiện.
Theo thống kê của Cục cảnh sát giao thông, Bộ Công an, tính từ năm ngoái đến tháng 5 năm nay, toàn quốc đã xảy ra 59 vụ chống lại lực lượng CSGT đang thi hành công vụ , làm 25 chiến sỹ CSGT bị thương.
Dưới góc độ luật pháp, hành vi chống người thi hành công vụ được quy định rõ ràng trong các bộ luật. Người vi phạm có thể bị xử lý hành chính hoặc xử lý hình sự. Đặc biệt, Bộ luật Hình sự 2015 cũng đã quy định rõ với khung hình phạt khởi điểm là cải tạo không giam giữ, Tuy nhiên, nếu so với thực trạng của hành vi chống người thi hành công vụ hiện nay là không tương xứng. Bởi đơn cử như việc lao xe vào lực lượng cảnh sát là hành vi nguy hiểm mà đối tượng biết trước được khả năng có thể dẫn đến chết người nhưng vẫn cố tình thực hiện.
Theo Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, để hạn chế tình trạng này cần kiên trì tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật về giao thông đường bộ dưới nhiều hình thức. Người đi đường phải hiểu được trách nhiệm của cá nhân và quyền hạn của lực lượng chức năng. Còn đối với những trường hợp cố tình có hành vi chống đối hoặc vi phạm nhiều lần, cần xem xét những chế tài xử lý nghiêm khắc để bảo vệ cộng đồng.