Thứ Hai, 25/11/2024 11:14 GMT+7
  • ANTV
  • Hotline: 0692324026
  • Email: news@antv.gov.vn

Nhân Văn - Tin Cậy - Kịp Thời - Hấp dẫn

Sự kiện

Xã hội

Điểm tựa tin cậy giúp những người chấp hành xong án phạt tù

(ANTV) - Bằng những cách làm hay, thông qua các mô hình thiết thực, lực lượng Công an cùng chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể ở Hà Tĩnh đã trở thành điểm tựa, cầu nối để giúp những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, sớm hòa nhập cộng đồng, có việc làm ổn định để làm lại cuộc đời.

Ngày 3/11, tại thị trấn Xuân An, huyện Nghi Xuân (Hà Tĩnh), chính quyền và lực lượng Công an cơ sở đã tổ chức ra mắt mô hình “Chung tay giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng”.

Mô hình này ra đời xuất phát từ thực tiễn, trong 5 năm trở lại đây, thị trấn Xuân An có 31 người chấp hành xong hình phạt tù về sinh sống tại địa phương. Ngoài ra, 8 người đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng và 1 người cải tạo không giam giữ.

Phòng CSĐT tội phạm về ma túy Công an Hà Tĩnh xây dựng mô hình giúp người lầm lỡ liên quan đến ma túy hoàn lương.

Là địa bàn nằm ở cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Hà Tĩnh, lại giáp ranh với TP Vinh (Nghệ An) nên việc có nhiều người chấp hành xong án phạt tù về sinh sống tại địa phương đặt ra không ít thách thức cho lực lượng chức năng, không chỉ trong quá trình quản lý mà việc làm thế nào để giúp đỡ họ hoàn lương, tái hòa nhập cộng đồng cũng luôn là trăn trở thường trực.

Do đó, với mong muốn, huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị, vai trò của các tổ chức, đoàn thể xã hội, doanh nghiệp và quần chúng nhân dân cùng chung tay, xóa bỏ mặc cảm, tạo công ăn việc làm cho những người thi hành án hình sự tại cộng đồng có điều kiện, khả năng tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, mô hình “Chung tay giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng” ra đời là bệ đỡ để những người lầm lỡ sớm tìm được đường sáng cho tương lai sau khi chấp hành xong án phạt tù.

Theo đó, Ban chỉ đạo mô hình gồm 12 thành viên, gồm lực lượng Công an thị trấn, đại diện chính quyền và các tổ chức đoàn thể. Trên cơ sở thực tiễn những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, ban chỉ đạo sẽ phân công cho từng trường hợp cụ thể để có trách nhiệm tiếp nhận và quản lý, giáo dục, giúp đỡ.

Các thàng viên sẽ có trách nhiệm thường xuyên tiếp xúc với những người đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng và người chấp hành xong án phạt tù để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng chính đáng của họ từ đó có biện pháp quản lý, giáo dục, giúp đỡ phù hợp, kịp thời. Đồng thời, vận động gia đình, người thân động viên, khích lệ để người chấp hành xong hình phạt tù vượt qua khó khăn nhanh chóng ổn định cuộc sống, hoà nhập cộng đồng và chấp hành tốt các quy định của pháp luật.

Được biết, đây cũng là mô hình đầu tiên trên địa bàn huyện Nghi Xuân về việc giúp đỡ, cảm hóa người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng. Sau khi đưa vào hoạt động có hiệu quả, Công an huyện Nghi Xuân sẽ tham mưu để nhân rộng mô hình này trên địa bàn toàn huyện.

Trong khi đó, ở một địa phương khác trên địa bàn Hà Tĩnh là huyện Hương Khê cũng được đánh giá là đã có nhiều cách làm hay, sáng tạo và quan tâm kịp thời để giúp người đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng sớm hòa nhập với cuộc sống.

Thống kê cho thấy, trên địa bàn huyện Hương Khê, năm 2023 có 12 người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, toàn huyện hiện có 195 người trong diện cần thiết tái hòa nhập cộng đồng, trong đó 85 người có công việc làm ổn định, 103 người có việc làm tạm ổn định và 7 người chưa có việc làm.

Phần lớn những người này đang trong độ tuổi thanh niên nên để giúp đỡ họ sớm có cuộc sống ổn định sau khi chấp hành án, Đoàn thanh niên Công an huyện Hương Khê đã phối hợp với Huyện đoàn và các tổ chức đoàn thể ở cơ sở, thường xuyên tổ chức các đợt sinh hoạt chuyên đề như đến tận gia đình để hướng dẫn các thủ tục pháp lý liên quan đến việc xoá án tích, các quyền lợi của người tái hoà nhập cộng đồng; giới thiệu về các chính sách đào tạo nghề nghiệp, việc làm và trao đổi kinh nghiệm trong xây dựng mô hình phát triển kinh tế.

Cùng với đó, hướng dẫn và đề nghị những người này chấp hành tốt quy định của pháp luật, nội quy tại địa phương, hương ước thôn xóm và việc thực hiện nghĩa vụ của người chấp hành án tại nơi cư trú. Những hoạt động này nhằm thực hiện tốt công tác giáo dục, cảm hóa, giúp đỡ người lầm lỗi tái hòa nhập cộng đồng và đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng. Qua đó, thể hiện vai trò đồng hành của tổ chức đoàn và lực lượng Công an trong việc giúp đỡ, tạo động lực cho thanh niên tái hòa nhập cộng đồng và đang chấp hành án hình sự ngoài cộng đồng phấn đấu, rèn luyện trong học tập, lao động, sản xuất, kinh doanh.

Là địa bàn giáp biên với nước bạn Lào và giáp ranh với tỉnh Nghệ An nên luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về ANTT, do vậy trong thời gian qua số người vi phạm pháp luật ở huyện Hương Sơn cũng có chiều hướng gia tăng. Tính đến đầu năm 2023, toàn huyện có 107 người chấp hành án hình sự tại cộng đồng.

Để giúp những người này sớm hòa nhập và không tái phạm, Công an huyện Hương Sơn đã thường xuyên phối hợp với Phòng Cảnh sát Thi hành hình sự và Hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh Hà Tĩnh, lực lượng Bộ đội biên phòng và chính quyền địa phương các cấp, triển khai nhiều hoạt động để giúp người lầm lỗi hoàn lương.

Hằng năm, tổ chức ký cam kết không vi phạm pháp luật, chấp hành nghiêm chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương; thường xuyên truyền đạt một số kiến thức pháp luật đến những người đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng… nhằm tạo sự chuyển biến về nhận thức, hiểu biết pháp luật cho người đang chấp hành án hình sự tại cộng đồng. Từ đó, hạn chế tình trạng tái phạm tội, đồng thời phát hiện, nhân rộng các mô hình cá nhân điển hình, góp phần phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm và đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương.

Số liệu thống kê cho thấy, trên địa bàn Hà Tĩnh hiện đang có hàng nghìn trường hợp thi hành án treo trong cộng đồng và chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Trong đó, tính riêng từ năm 2020 đến nay, có khoảng gần 1.000 trường hợp phạt tù cho hưởng án treo, thi hành án cải tạo không giam giữ.

Để giúp những người này chấp hành tốt bản án, cũng như những người thi hành án xong trở về địa phương sớm tái hòa nhập cộng đồng, từ năm 2021 đến nay Công an tỉnh Hà Tĩnh cũng đang phối hợp với các lực lượng chức năng, triển khai Đề án "Nâng cao hiệu lực quản lý Nhà nước về thi hành án hình sự tại cộng đồng và tái hòa nhập cộng đồng cho người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh".

Đề án được xây dựng với mục tiêu nhằm khắc phục những tồn tại trong công tác thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng trong thời gian qua; triển khai đồng bộ, toàn diện, có hiệu quả các quy định của pháp luật có liên quan để giúp người lầm lỗi sớm hòa nhập, ổn định cuộc sống.

Bước đầu, ghi nhận những biến chuyển tích cực từ đề án khi tỉ lệ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương gần như không tái phạm, hàng trăm trường hợp được đào tạo nghề, giới thiệu việc làm ổn định, có thu nhập. Các địa phương từ phường, xã đến huyện, thành thị đã chủ động thực hiện công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật về thi hành án hình sự và tái hòa nhập cộng đồng cho cán bộ và nhân dân trên địa bàn.

Một số cơ quan, đơn vị đã có sự phối hợp tương đối tốt trong công tác quản lý, giáo dục những người tái hòa nhập cộng đồng; một số cán bộ được phân công nhiệm vụ trực tiếp quản lý, giáo dục những người tái hòa nhập cộng đồng đã tích cực, chủ động để quản lý, giáo dục, định hướng việc làm từ đó giúp nhiều người trong diện tái hòa nhập cộng đồng tiến bộ, có việc làm ổn định, không vi phạm pháp luật.

Theo: Công an nhân dân Online

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Làm rõ việc người dân tự ý làm barie chắn xe qua lại

Làm rõ việc người dân tự ý làm barie chắn xe qua lại

Xã hội 25/11/2024

(ANTV) - Nhằm hạn chế người dân đi vào ngõ khung giờ cao điểm buổi sáng, một số ngõ trên đường Thượng Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội đã làm barie ngăn người dân đi qua. Việc này khiến người tham gia giao thông qua đây bức xúc và thắc mắc về tính pháp lý của việc làm rào chắn ngăn cản giao thông. Vậy sự việc này cụ thể như thế nào, có đúng các quy định của pháp luật?

Tin tức nổi bật trên báo số ra ngày hôm nay (25/11)

Tin tức nổi bật trên báo số ra ngày hôm nay (25/11)

Điểm tin 25/11/2024

(ANTV) - Lại diễn tấu hài bình chọn "giải thưởng nhân quyền"; Đề xuất kéo dài thời gian giảm thuế giá trị gia tăng “Liệu cơm gắp mắm”; Xuất nhập khẩu hàng hóa tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế; Cảnh báo lừa đảo từ cuộc gọi “con cấp cứu ở Chợ Rẫy” - là những bài viết nổi bật trên các báo số ra ngày hôm nay (25/11).

Thúc đẩy quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia

Thúc đẩy quan hệ hữu nghị Việt Nam - Campuchia

Chính trị 25/11/2024

(ANTV) - Nhân dịp tháp tùng Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm chính thức Vương quốc Campuchia và tham dự Hội nghị toàn thể lần thứ 12 của Hội nghị quốc tế các đảng chính trị châu Á và Phiên họp toàn thể lần thứ 11 của Nghị viện Quốc tế vì bao dung và hòa bình. Ngày 22/11, tại Thủ đô Phnom Penh, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Uỷ viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, đã tới chào xã giao ngài Neth Savoeun, Phó Thủ tướng thứ nhất Vương quốc Campuchia và ngài Sar Sokha, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Campuchia.

Thủ tướng Canada lên án hành vi bạo lực bài Do Thái

Thủ tướng Canada lên án hành vi bạo lực bài Do Thái

Thế giới 25/11/2024

(ANTV) - Ngày 23/11, Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã lên án tình trạng bạo lực và chủ nghĩa bài Do Thái tại các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine và phản đối cuộc gặp thường niên của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương NATO ở trung tâm thành phố Montreal. Ông Trudeau nhấn mạnh các hành vi cực đoan này là không thể chấp nhận được.

Quản lý người chơi game dưới 18 tuổi

Quản lý người chơi game dưới 18 tuổi

Xã hội 24/11/2024

(ANTV) - Mới đây, Chính phủ đã ban hành Nghị định 147 về Quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng, thay thế cho Nghị định 72/2013 và 27/2018, trong đó bổ sung các điều kiện cấp giấy phép cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử. Theo đó, nhà cung cấp phải có hệ thống thiết bị kỹ thuật quản lý thời gian chơi trong ngày của người dưới 18 tuổi, không quá 60 phút đối với từng trò chơi, không quá 180 phút với tất cả các trò chơi mà doanh nghiệp cung cấp.

Xem thêm