Thứ Bảy, 26/10/2024 04:52 GMT+7
  • ANTV
  • Hotline: 0692324026
  • Email: news@antv.gov.vn

Nhân Văn - Tin Cậy - Kịp Thời - Hấp dẫn

Sự kiện

Chính trị

Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng trong công tác quản lý đất đai

(ANTV) - Quản lý đất đai luôn là vấn đề khó và phức tạp của nhiều địa phương. Ở cấp cơ sở - nơi trực tiếp thực hiện công tác quản lý Nhà nước về đất đai, sự chủ động, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền có ý nghĩa rất quan trọng trong việc quản lý, ngăn chặn và xử lý các trường hợp vi phạm, lấn chiếm, sử dụng đất sai mục đích, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Bởi vậy, phát huy vai trò của cấp ủy, cán bộ, đảng viên trong quản lý đất đai là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu tại mỗi địa phương.

Tại Hà Nội, nhằm chấn chỉnh, tăng cường trách nhiệm quản lý đối với công tác quy hoạch, quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn thành phố, ngày 2/3/2022, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chỉ thị số 14.

Trong đó nhấn mạnh, xử lý trách nhiệm người đứng đầu, cán bộ trực tiếp làm công tác quản lý có hành vi vi phạm hoặc buông lỏng quản lý, để xảy ra các sai phạm.

Như vậy có thể thấy, Chỉ thị số 14 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội là kim chỉ nam, nêu cao vai trò người đứng đầu cấp ủy trong việc để xảy ra vi phạm pháp luật về đất đai trên địa bàn.

Vậy nhưng, trên thực tế, sai phạm trong quản lý, sử dụng đất, vi phạm trật tự xây dựng vẫn tiếp tục kéo dài, thậm chí “nở rộ” và trách nhiệm người đứng đầu dường như vẫn bị “bỏ ngỏ”.

Cái tên “Công viên văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao” đã không còn xa lạ với người dân trên địa bàn quận Hà Đông, TP. Hà Nội bởi suốt gần 15 năm qua, thay vì hình hài của công viên theo đúng như tên gọi ban đầu thì đến nay, trên giấy thì vẫn cứ là Quy hoạch chi tiết 1/500, còn thực tế thì nhếch nhác.

Kể từ khi dự án được phê duyệt quy hoạch vào năm 2008 đến tháng 2/2015, do không thể triển khai thực hiện nên UBND TP. Hà Nội đã cho phép quận Hà Đông tổ chức quản lý sử dụng, tạm khai thác chống lấn chiếm đối với diện tích đất đã giải phóng mặt bằng trên khu đất quy hoạch xây dựng công viên văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông.

Từ đây, nhiều câu chuyện phức tạp bắt đầu nảy sinh do sự thiếu giám sát, buông lỏng quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương khiến cho quỹ đất vàng sử dụng sai mục đích, mất mỹ quan đô thị.

Cuối năm 2015, 12 doanh nghiệp được Chi nhánh Trung tâm phát triển quỹ đất quận Hà Đông giao đất đã bất chấp mọi quy định để cho hàng trăm đơn vị khác kinh doanh sai mục đích.

Tháng 2/2017, Sở Xây dựng Hà Nội đã chỉ ra 8/12 công ty có sai phạm về sử dụng đất và trật tự xây dựng trên khu đất quy hoạch công viên Hà Đông.

Đến tháng 6/2021, UBND TP. Hà Nội ra thông báo yêu cầu quận Hà Đông chấm dứt hoạt động kinh doanh trái phép trên đất dự án Khu công viên văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông. Vậy nhưng, mọi văn bản chỉ đạo của thành phố Hà Nội qua ngần ấy năm đều bị quận Hà Đông phớt lờ và chỉ tới khi, kho lán tạm không phép nằm trong khuôn viên khu đất này xảy ra hỏa hoạn khiến 1 người tử vong vào tháng 10/2022, mọi hoạt động mới tạm thời chấm dứt. Và cũng chỉ sau vài tháng, mặc cho quây rào, cắm biển cấm, nhiều sân bóng vẫn ngang nhiên hoạt động.

Ngày cũng như đêm, cứ vài chục phút, lối nhỏ tự phát này lại có hàng chục lượt phương tiện nối đuôi nhau ra vào. Cũng vì tự dựng lên, nên đằng sau cánh cổng tạm bợ kia lúc nào cũng có người ngồi canh gác, cảnh giới. Và thật lạ là khi xuất hiện ống kính máy quay thì…nội bất xuất, ngoại bất nhập.

Phải chăng, sau khi được UBND TP. Hà Nội phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết Công viên văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông vào tháng 11 vừa qua thì những sân bóng nằm trong khu đất này tiếp tục được phép hoạt động?

Vậy nhưng, lại chẳng lấy gì làm lạ khi Quận ủy, UBND quận Hà Đông tìm đủ lý do từ chối làm việc với nhóm phóng viên của Truyền hình ANTV để trả lời cho những thắc mắc trên.

Bởi lẽ, việc phớt lờ, bỏ ngoài tai dường như đã trở thành nếp thói quen duy trì nhiều năm của chính quyền sở tại. Bất chấp Chỉ thị của Thành ủy, bất chấp những thông báo, chỉ đạo xử lý vi phạm của UBND TP. Hà Nội và cũng chẳng màng đến phản ánh của các cơ quan báo, đài trong suốt nhiều năm qua, sai phạm thì vẫn đấy, còn người chịu trách nhiệm thì đến nay cũng vẫn chưa tìm ra ai.

Tại mỗi dự án, việc giải phóng mặt bằng khó khăn bao nhiêu thì việc quản lý, chống lấn chiếm đất công, đất chưa sử dụng và đất đang chờ thực hiện dự án lại khó bấy nhiêu. Nếu như từ năm 2010, với 52,87ha mặt bằng đã giải phóng cho dự án Khu công viên văn hóa – vui chơi giải trí, thể thao quận Hà Đông, chính quyền còn không thể quản lý thì liệu rằng 40ha còn lại có dễ thu hồi? và đến bao giờ “những mảng xanh trên giấy” mới trở thành hiện thực?

Có lẽ, câu chuyện sai phạm trong quản lý, sử dụng đất đai đã và đang diễn ra với muôn hình vạn trạng ở hầu khắp các quận, huyện trên địa bàn Thủ đô. Câu chuyện về nhà ở riêng lẻ biến tướng thành chung cư mini 9 tầng tại xã Tân Xã, huyện Thạch Thất, Hà Nội đã trở thành đề tài nóng trên khắp các kênh thông tin trong thời gian qua.

Theo giấy phép xây dựng ban đầu khi chưa bị thu hồi, công trình gồm 3 tầng 1 tum, nằm trên diện tích đất là 726,5m2. Tuy nhiên, công trình thực tế đã tăng tổng diện tích sàn lên hàng trăm m2, kéo theo đó là tăng số tầng, tăng tổng chiều cao công trình và được xây ngăn, chia thành 167 phòng từ tầng 2 đến tầng 9.

Việc công trình xây vượt đến 6 tầng với quy mô lớn, rồi lại bị rút giấy phép khiến dư luận đặt câu hỏi về công tác quản lý của cấp ủy, chính quyền địa phương khi không thể đình chỉ, xử lý dứt điểm ngay khi phát hiện ra sai phạm, để công trình xây hoàn thiện, đưa vào sử dụng mới kiên quyết tháo dỡ, buộc khôi phục nguyên trạng. Vậy nhưng, đây không chỉ là công trình duy nhất bị UBND huyện Thạch Thất chỉ mặt, điểm tên. Hàng loạt công trình trên địa bàn các xã: Thạch Hòa, Bình Yên cũng đang phải chùm bạt để tháo dỡ và cắt bỏ các phần vi phạm.

Tới đây, có thể thấy trách nhiệm của những người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền địa phương đã quá rõ ràng. Do buông lỏng quản lý dẫn tới không thực hiện kịp thời, đầy đủ trách nhiệm khi phát hiện, ngăn chặn và xử lý triệt để những vi phạm pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại địa phương. Từ những tồn tại ấy mà việc giải quyết các sai phạm, vi phạm trật tự xây dựng, đặc biệt là việc xử lý cán bộ, đảng viên có thẩm quyền để xảy ra vi phạm, hoặc dung túng, bảo kê cho vi phạm...luôn làm nóng nghị trường Quốc hội.

Không chỉ riêng tại địa bàn TP. Hà Nội, địa phương nào cũng vậy, không ít thì nhiều đều xảy ra các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực quản lý đất đai, trật tự xây dựng đô thị. Vấn đề này trở thành “lỗi thường gặp” trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của tập thể cấp ủy và dần trở thành bức xúc trong xã hội. Yếu về năng lực lãnh đạo, quản lý, buông lỏng vai trò lãnh đạo hoặc biết sai nhưng cố tình vi phạm nhằm trục lợi.

Đáng quan ngại hơn là tình trạng đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, ngại va chạm trong xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng. Thậm chí, có cấp ủy làm trái nguyên tắc, Điều lệ Đảng, cho thuê, định giá cho thuê đất trái thẩm quyền, vi phạm nghiêm trọng pháp luật của Nhà nước.

Một số cấp ủy chưa chú trọng chỉ đạo kiểm tra, giám sát cán bộ, đảng viên, còn nể nang, né tránh khuyết điểm, sai phạm, chưa xử lý nghiêm người đứng đầu tổ chức Đảng và chính quyền trong công tác lãnh đạo, chỉ đaoh và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ được giao. Đã đến lúc mỗi cấp ủy cần hành động quyết liệt chứ không chỉ bằng những lời hứa suông.

Và cũng đã đến lúc, cần đưa nội dung đánh giá thực hiện công tác quản lý đất đai là một trong những tiêu chí đánh giá, xếp loại tổ chức Đảng, đảng viên hàng năm và tiêu chí đánh giá hoàn thành nhiệm vụ của các bộ, đảng viên. Sai phạm đã được chỉ rõ, việc còn lại xin dành cho mỗi cán bộ, đảng viên, các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền cơ sở tự phê bình và phê bình, tự soi, tự sửa.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Sự trưởng thành và cống hiến của học sinh miền Nam trong lực lượng công an

Sự trưởng thành và cống hiến của học sinh miền Nam trong lực lượng công an

Chính trị 25/10/2024

(ANTV) - Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã khẳng định: “Việc thành lập hệ thống các trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là một chủ trương lớn, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, không chỉ thể hiện tầm nhìn, cách nhìn rất sáng suốt, sâu rộng mà còn nói lên tình cảm cao quí, thiêng liêng của Bác Hồ, của Đảng và Nhà nước ta, cũng là của Tổ quốc và nhân dân đối với các cháu miền Nam lúc bấy giờ…

Cập nhật bão số 6: Sức gió vùng tâm bão mạnh nhất 102 km/h

Cập nhật bão số 6: Sức gió vùng tâm bão mạnh nhất 102 km/h

Xã hội 25/10/2024

(ANTV) - Hồi 13 giờ ngày 25/10, vị trí tâm bão ở vào khoảng 17,6 độ Vĩ Bắc; 117,3 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông của khu vực Bắc Biển Đông, cách quần đảo Hoàng Sa khoảng 560km về phía Đông Đông Bắc. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (89-102km/h), giật cấp 12. Di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ 15-20km/h.

Ủng hộ xóa bỏ "nhà siêu mỏng, siêu méo"

Ủng hộ xóa bỏ "nhà siêu mỏng, siêu méo"

Xã hội 25/10/2024

(ANTV) - Mới đây, trong quyết định 61 của TP Hà Nội đã có những quy định mới liên quan đến việc giải quyết những mảnh đất không đủ điều kiện sau khi thu hồi đất, giải phóng mặt bằng… Mong mỏi của cư dân mạng là quyết định sẽ được thực hiện hiệu quả để sớm khai tử những căn nhà siêu mỏng, siêu méo, đem lại bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại…

Khám xét nhà cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm

Khám xét nhà cựu Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm

Pháp luật 25/10/2024

(ANTV) - Tối 24/10, cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) phối hợp cùng Viện Kiểm sát Nhân dân huyện đã có mặt tại nhà riêng của ông Nguyễn Trung Thành – nguyên Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm để thực hiện việc khám xét; đồng thời, thực hiện các phần việc tố tụng liên quan.

Cháy nhà trong khu chợ Bà Chiểu

Cháy nhà trong khu chợ Bà Chiểu

Xã hội 25/10/2024

(ANTV) - Sáng ngày 25/10, Công an quận Bình Thạnh, TP.HCM đang phong tỏa căn nhà trong khu chợ Bà Chiểu để khám nghiệm hiện trường, làm rõ nguyên nhân vụ cháy.

Xem thêm