Thứ Bảy, 27/07/2024 07:00 GMT+7
  • ANTV
  • Hotline: 0692324026
  • Email: news@antv.gov.vn

Nhân Văn - Tin Cậy - Kịp Thời - Hấp dẫn

Sự kiện

Chính trị

Chiến dịch Điện Biên Phủ: Kịp thời thay đổi phương châm tác chiến

(ANTV) - Một trong những nhân tố quan trọng làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ "lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu" đó là việc Bộ chỉ huy chiến dịch nắm chắc diễn biến tình hình, kịp thời thay đổi phương châm tác chiến “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Từ phương châm tác chiến này, chúng ta có cách đánh chiến dịch sáng tạo, phù hợp, vận dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật và thủ đoạn chiến đấu, tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch ở lòng chảo Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp.

Thay đổi quyết định táo bạo, kịp thời

Ngày 14-1-1954, sau khi phân tích tình hình địch, ta, địa hình và các yếu tố liên quan, Hội nghị cán bộ chiến dịch đã thống nhất phương châm “đánh nhanh, giải quyết nhanh”.

Quyết tâm chiến dịch là: Tập trung binh, hỏa lực tiêu diệt toàn bộ quân địch ở Điện Biên Phủ trong thời gian 2 ngày 3 đêm.

Đó là quyết tâm có cơ sở, bởi khi địch còn ở trạng thái phòng ngự lâm thời, thì “đánh nhanh, giải quyết nhanh” là cách đánh có thể vận dụng. Thời gian nổ súng là ngày 20-1-1954.

Tuy nhiên, ngày 18-1, thời gian dự kiến kéo pháo vào trận địa trong 3 đêm không thực hiện được, Đảng ủy và Bộ chỉ huy chiến dịch quyết định lùi ngày nổ súng tiến công vào chiều 25-1. Sau đó, thời gian nổ súng tiếp tục lùi đến ngày 26-1.

Quân ta ở dưới chiến hào, trước giờ xuất kích trong Chiến dịch Điện Biên Phủ. Ảnh tư liệu

Trong thời gian ta đang gấp rút thực hiện công tác chuẩn bị, địch đã tăng cường lực lượng và thay đổi cách bố trí trận địa, hình thành tập đoàn cứ điểm mạnh ở Điện Biên Phủ.

Trước tình hình đó, sáng 26-1, Đảng ủy chiến dịch tổ chức hội nghị phân tích, làm rõ 3 khó khăn lớn: Trình độ đánh công kiên của chúng ta còn hạn chế; bộ đội chưa có kinh nghiệm chiến đấu hiệp đồng binh chủng quy mô lớn, lại chưa qua diễn tập; chưa quen chiến đấu ban ngày, nay phải chiến đấu liên tục 3 đêm 2 ngày với kẻ địch có ưu thế về hỏa lực, máy bay, pháo binh và xe tăng trên địa hình trống trải của cánh đồng Mường Thanh thì rất khó tránh khỏi thương vong, khó hoàn thành nhiệm vụ.

Phân tích kỹ, thảo luận thẳng thắn, đánh giá đúng tình hình, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Đảng ủy, Chỉ huy trưởng chiến dịch quyết định chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”.

Theo đó, hoãn cuộc tiến công theo kế hoạch vào ngày 26-1, bộ đội toàn tuyến được lệnh lui về vị trí tập kết, kéo pháo ra. Mọi công tác chuẩn bị thực hiện theo phương châm “đánh chắc, tiến chắc”.

Ngay sau quyết định đó, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã gửi thư hỏa tốc báo cáo Bộ Chính trị và được Bộ Chính trị nhất trí, cho đó là một quyết định hoàn toàn đúng đắn.

Thực tế diễn biến trong 56 ngày đêm chiến đấu ở Điện Biên Phủ (từ ngày 13-3 đến 7-5-1954) đã chứng minh: Chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc” là quyết định cực kỳ quan trọng, khoa học, phù hợp với thực tế chiến trường lúc bấy giờ.

Đó là quyết định thể hiện bản lĩnh, tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Đảng ủy, Bộ chỉ huy chiến dịch, bảo đảm cho chiến dịch giành thắng lợi cuối cùng.

Xác định cách đánh chiến dịch sáng tạo

Theo phương châm tác chiến mới, sau khi nghiên cứu kỹ tình hình địch, ta, những thuận lợi và khó khăn của cả hai bên, Bộ chỉ huy chiến dịch xác định cách đánh chiến dịch tiến công Điện Biên Phủ là "vây hãm tiến công, đột phá dứt điểm lần lượt".

Theo đó, Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ đạo tổ chức xây dựng trận địa tiến công và bao vây, ngày càng siết chặt từng cứ điểm, cụm cứ điểm và cả tập đoàn cứ điểm, chia cắt thế liên hoàn của chúng, tập trung ưu thế binh hỏa lực, đánh chắc thắng, tiêu diệt từng bộ phận sinh lực địch.

Quá trình tiến công tiêu diệt các cứ điểm được kết hợp chặt chẽ với việc từng bước thắt chặt vòng vây, hạn chế rồi tiến tới triệt hẳn nguồn tiếp tế và tiếp viện của địch, làm cho chúng ngày càng suy yếu, tạo điều kiện cho quân ta tiến lên thực hiện tổng công kích.

Cách đánh đó được thực hiện theo kế hoạch với 3 giai đoạn: Giai đoạn 1, tiêu diệt các trung tâm đề kháng ngoại vi. Giai đoạn 2, tiêu diệt khu vực phòng ngự then chốt của phân khu trung tâm, đánh chiếm hoàn toàn sân bay Mường Thanh, thắt chặt vòng vây, triệt nguồn tiếp tế. Giai đoạn 3, tổng công kích tiêu diệt toàn bộ quân địch.

Để thực hiện cách đánh chiến dịch, Bộ chỉ huy chiến dịch triển khai các biện pháp: Tăng cường thêm binh hỏa lực để bảo đảm ưu thế, thay đổi hướng tiến công chủ yếu (từ phía đông), bố trí lại và giữ bí mật pháo binh, cao xạ, làm đường cơ động cho pháo; xây dựng trận địa cho bộ binh và pháo binh; huấn luyện cho bộ đội cách xây dựng công sự trận địa dưới hỏa lực địch, kỹ, chiến thuật đánh trong chiến hào; bảo đảm vật chất cho tác chiến dài ngày.

Về chiến thuật, Bộ chỉ huy chiến dịch vận dụng chiến thuật tiến công địch trong công sự vững chắc, sử dụng lực lượng đột phá, “vây, lấn, tấn, phá, triệt, diệt”...

Quá trình tiến công vào tập đoàn cứ điểm của địch, nhằm ngăn chặn phản kích của bộ binh, xe tăng địch, Bộ chỉ huy chiến dịch chỉ đạo các đơn vị tổ chức những trận phòng ngự trận địa trực tiếp tiếp xúc với địch, tích cực tiến công, có sự hiệp đồng chặt chẽ giữa các lực lượng. Ta đã vận dụng chiến thuật tập kích đánh vào sân bay, chiến thuật truy kích địch rút chạy. Cơ bản các trận đánh, ta đều vận dụng các thủ đoạn bao vây, thọc sâu, luồn sâu, vu hồi, đón lõng, chặn cắt... kết hợp với các đợt đánh lớn, hạn chế chỗ mạnh, khoét sâu chỗ yếu của địch.

Ngoài chiến thuật của lực lượng pháo binh chi viện cho bộ binh tiến công và phòng ngự, tác chiến hiệp đồng và độc lập, lực lượng phòng không cũng hình thành nên chiến thuật của binh chủng: Bảo vệ các trọng điểm giao thông, vừa đánh địch vừa bảo vệ mục tiêu, phục kích đón lõng máy bay địch...

Theo Báo Quân đội nhân dân 

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Phát hiện kho hàng nghi giả mạo nhãn hiệu

Phát hiện kho hàng nghi giả mạo nhãn hiệu

Kinh tế 26/07/2024

(ANTV) - Lực lượng chức năng tỉnh Bắc Giang vừa phát hiện một kho hàng cất giấu số lượng lớn hàng hóa nghi giả mạo nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ tại thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang).

Giá vé máy bay có dấu hiệu tăng trở lại

Giá vé máy bay có dấu hiệu tăng trở lại

Kinh tế 26/07/2024

(ANTV) - Sau khi hạ nhiệt vào tháng 6, giá vé máy bay có dấu hiệu tăng trở lại khi mùa du lịch bước vào thời điểm sôi động. Ở nhiều chặng, giá vé tăng đến hơn 2 triệu đồng/vé, khiến không ít hành khách hủy vé, chuyển sang đi du lịch bằng phương tiện khác với điểm đến ngắn hơn.

Quản lý thị trường TP.HCM liên tục phát hiện hàng hóa nhập lậu

Quản lý thị trường TP.HCM liên tục phát hiện hàng hóa nhập lậu

Kinh tế 26/07/2024

(ANTV) - Trong thời gian gần đây, lực lượng Quản lý thị trường TP.HCM đã liên tục phát hiện và xử lý nhiều vụ vi phạm liên quan đến hàng hóa không có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, bao gồm các mặt hàng nhập lậu và hàng giả. Các mặt hàng bị phát hiện thường là nước hoa, mỹ phẩm, quần áo, giày dép, thuốc tân dược và thực phẩm chức năng, đều thiếu hóa đơn chứng từ và nguồn gốc xuất xứ.

Xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn

Xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn

Kinh tế 26/07/2024

(ANTV) - Ngành du lịch Thành phố Hồ Chí Minh đang nỗ lực làm mới, xây dựng nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn, đa dạng hóa các sự kiện định kỳ và thường xuyên để nâng cao trải nghiệm cho du khách. Trong đó, sản phẩm du lịch y tế được chú trọng đầu tư để từng bước hoàn thiện, nhằm thu hút khách du lịch trong và ngoài nước.

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Cử hành trọng thể Lễ truy điệu và Lễ an táng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Chính trị 26/07/2024

(ANTV) - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ra đi là mất mát rất lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân. Đến 12h ngày hôm nay 26/7 có hơn 5.600 Đoàn (với hơn 252.000 lượt người), là đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ban, bộ, ngành, đoàn thể, địa phương, đơn vị, các lực lượng vũ trang nhân dân, các Đoàn ngoại giao, đại diện các tổ chức và bạn bè quốc tế, đồng bào đã đến viếng, gửi vòng hoa, chia buồn cùng gia đình Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông (Hà Nội), Hội trường Thống Nhất (Thành phố Hồ Chí Minh) và quê nhà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, thôn Lại Đà, xã Đông Hội, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội.

Xem thêm