
(ANTV) - Những ngày gần đây, trên những hội nhóm của các bà mẹ bỉm sữa, câu chuyện hot nhất vẫn là câu chuyện sữa giả. Sao mà không lo lắng cho được, khi có đến gần 600 nhãn hiệu sữa đã được lưu thông trên thị trường đến 4 năm với đủ các giấy tờ hợp pháp cùng những lời quảng cáo có cánh “chăm sóc dinh dưỡng toàn diện”, bỗng bị phát hiện đều là sữa giả.
Và với bằng ấy thời gian đủ để nhiều đứa trẻ được “chăm sóc dinh dưỡng toàn diện” bằng sữa giả cả thời thơ ấu. Người tiêu dùng hoang mang, phẫn nộ vì sữa giả. Còn các cơ quan chức năng cũng hoang mang không kém, vì khi sự việc nghiêm trọng ấy bị phát hiện lại chẳng kiếm được ai là người chịu trách nhiệm?
Ngay sau khi vụ việc được đưa ra ánh sáng, quản lý thị trường là cái tên đầu tiên được nhắc đến. Với chức năng kiểm tra, kiểm soát thị trường, đấu tranh chống các vi phạm pháp luật trong hoạt động thương mại ở thị trường trong nước, nhưng những gì mà đại diện đơn vị này trả lời đó là: Bộ Công thương không cấp phép, không quản lý những sản phẩm này và chỉ có thể tiến hành kiểm tra khi phát hiện dấu hiệu vi phạm.
“Bộ Y tế với vai trò là cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo liên ngành Trung ương về an toàn thực phẩm, hằng năm đều ban hành kế hoạch hậu kiểm trên toàn quốc. Trên cơ sở đó, các bộ, ngành và địa phương triển khai kế hoạch riêng, trong đó tập trung vào xử lý nghiêm các hành vi quảng cáo sai sự thật, gây nhầm lẫn, lừa dối người tiêu dùng.”
Có vẻ như theo quy định, quả bóng trách nhiệm đã được “chuyền” đi sang cơ quan khác. Bộ Y tế liệu có trả lời thỏa đáng được câu hỏi của người tiêu dùng. Làm thế nào mà 9 công ty với 573 nhãn hiệu sữa giả có thể sản xuất và phân phối ra khắp thị trường trong suốt 4 năm mới bị phát hiện? Và câu trả lời là: Trách nhiệm này đã được phân cấp về cho địa phương.
“Các chi nhánh của các doanh nghiệp này đăng ký nhưng không sản xuất tại Hòa Bình nên không có mẫu để hậu kiểm và cũng chưa có khách hàng nào khiếu nại về các sản phẩm này.” Ngay sau đó, khi quá nửa nhãn hiệu sữa giả đã tìm ra được nơi “khai sinh” là Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hòa Bình. Thì vẫn có lý do để thoái thác cho việc 305 nhãn hiệu sữa này chưa từng được hậu kiểm đó là chưa có khách hàng khiếu nại.
Ông Nguyễn Văn Đệ, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cho biết, đã đến lúc chúng ta có một số tiếng nói với cơ quan quản lý Nhà nước đó là: Trách nhiệm của tổ chức nào tạo điều kiện cho họ trong suốt nhiều năm qua như vậy. Đây không phải là cái kim trong túi mà đây là việc sản phẩm được bán công khai như vậy thì chức năng quản lý nhà nước của chúng ta có những lỗ hổng do một số chính sách chưa phù hợp tức là 1 mặt hàng nhưng nhiều Bộ, nhiều ngành quản lý. Đây là kẽ hở để đùn đẩy trách nhiệm.
Và để con số thu lợi bất chính lên tới 500 tỷ đồng trong suốt 4 năm qua có lẽ phải kể thêm vai trò quan trọng của những hoạt động quảng cáo rầm rộ trên các nền tảng mạng xã hội, với sự tham gia của những chuyên gia y tế, những người nổi tiếng cùng những lời quảng cáo bị thổi phồng, không đúng sự thật? Vậy trách nhiệm của những người nổi tiếng, trách nhiệm của đơn vị quản lý hoạt động quảng cáo là gì? Ai cũng nhận là người bị hại, còn trách nhiệm vẫn chưa rõ là của ai.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, chúng ta thấy khoảng cách giữa nghệ thuật và quảng cáo nhãn hàng là rất lớn. Và người nghệ sỹ phải ý thức được về chuyện đó trước khi họ tham gia vào việc truyền tải những hình ảnh quảng cáo để cho họ thấy được rằng giới hạn giữa nghệ thuật và quảng cáo không hề nhỏ để họ có thêm sự cẩn trọng, có thêm nhiều sự chú ý để không ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh của họ cũng như là ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của người tiêu dùng.
Ai cũng đúng, chỉ có sữa là sai. Giấy tờ, con dấu là thật thế nhưng hàng trăm loại sữa lại là giả.
Ngay đến cả những đối tượng đã trực tiếp thực hiện hành vi này cũng bao biện đó là sai sót.
Đối tượng Hồ Sỹ Ý, Giám đốc điều hành Công ty dược Quốc tế Rance Pharma và Công ty Dược dinh dưỡng Hacofood Group khai nhận, tổng tất cả hàm lượng dinh dưỡng trên thông tin dinh dưỡng thì chúng tôi không kiểm tra nên dẫn đến sai sót như thế. Chúng tôi cũng nhận ra sai sót và rất xin lỗi khách hàng về cái đó.
Trách nhiệm cuối cùng lại đổ dồn về người tiêu dùng – vì không có khiếu nại nên không có kiểm tra. Và người tiêu dùng – những người không có bất cứ một công cụ, phương tiện gì để thẩm định sự thật, giả của sản phẩm lại chỉ có cách tin vào những lời quảng cáo lừa dối.
Chị Bùi Thị Khánh Vân, người tiêu dùng cho biết, bản thân chúng tôi là những người cha người mẹ, chỉ biết như quảng cáo là hàng tốt, tốt nhất để mua cho con mình. Thế nhưng bản thân chúng tôi đôi lúc đâu có cái gì để kiểm chứng được đâu là hàng giả, đâu là hàng thật?
Chị Nguyễn Thị Dung, người tiêu dùng cho biết, bây giờ đang tràn lan sữa giả như thế thì tôi cũng biết sữa nào thật, sữa nào giả để tôi sử dụng cả?
Trách nhiệm thuộc về ai nếu không phải những cá nhân, tổ chức đều thờ ơ để các đối tượng dễ dàng thực hiện hành vi phạm tội của mình. Phương thức quản lý hậu kiểm vốn là để tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi nhưng lại trở thành lỗ hổng để lợi dụng vì thiếu sự kiểm tra, giám sát của các cơ quan chức năng.
TS. LS Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, phương pháp hậu kiểm này đòi hỏi các doanh nghiệp phải trung thực, phải có đạo đức kinh doanh, phải có ý thức tuân thủ pháp luật. Nhưng khi để chúng ta để hậu kiểm mà để doanh nghiệp tự công bố, tự sản xuất mà họ lại vì lợi nhuận, bất chấp pháp luật thì rõ ràng là khách hàng sẽ là người gánh chịu. Ở đây, cơ quan điều tra sẽ làm rõ trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc kiểm soát hoạt động kinh doanh cũng như kiểm tra, có lấy mẫu để kiểm nghiệm hay không. Trong bốn năm mà không lấy mẫu đi kiểm nghiệm thì rõ ràng là không thể không truy trách nhiệm của các cơ quan chức năng được.
Những kẽ hở trong pháp lý và sự thiếu chặt chẽ trong công tác quản lý đã âm thầm tồn tại, chỉ được nhìn nhận rõ ràng khi hậu quả đã xảy ra. Điều đáng tiếc đó là lẽ ra có thể được ngăn chặn từ sớm.
TS. LS Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, tôi cho rằng cần phải có nghiên cứu để sửa đổi Nghị định 15 năm 2018 của Chính phủ về quản lý liên quan đến sản xuất kinh doanh sữa bột, có thể đưa ra vào diện tiền kiểm, hoặc phải quy định cụ thể về thời gian, thời hạn, trách nhiệm trong khâu kiểm tra hậu kiểm.
PGS. TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho biết, chúng ta đã không ý thức hết được sự phát triển như vũ bão của quảng cáo trên các phương tiện truyền thông mới. Chúng ta cũng chưa ý thức hết được vai trò của những người truyền tải các sản phẩm quảng cáo đặc biệt là với các nghệ sĩ, người nổi tiếng trên không gian mạng. Chính vì vậy, chúng ta cần phải có sự sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật, để trên cơ sở đó chúng ta lấp những khoảng trống, những điều chưa phù hợp trong các văn bản quản lý.
Theo Bộ Luật Hình sự hiện hành, với hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, mức hình phạt cao nhất đối với cá nhân vi phạm là tù chung thân. Một chế tài hết sức nghiêm khắc, song vì lợi nhuận, các đối tượng vẫn coi thường pháp luật và bất chấp sức khỏe của người tiêu dùng. Và rõ ràng, các cơ quan chức năng cũng đang chưa làm hết trách nhiệm của mình. Hiện, Bộ Công an đang đẩy nhanh tiến độ điều tra, sớm đưa ra kết luận để thông tin cho người tiêu dùng và đưa các đối tượng vi phạm ra xét xử theo đúng quy định của pháp luật.
(ANTV) - Ngày 21/4, Tòa án nhân dân TP Hà Nội đưa ra xét xử sơ thẩm đối với cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cùng 11 bị cáo liên quan trong vụ án xảy ra tại Bộ Công Thương và một số tỉnh, thành. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 9 ngày.
(ANTV) - Sau gần 3 tiếng nỗ lực điều tra, truy xét, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Khánh Hòa đã bắt giữ nghi can gây ra vụ án giết người cướp tài sản hết sức manh động xảy ra vào ngày 19/4, tại xã Vĩnh Lương, Tp Nha Trang.
(ANTV) - Liên quan đến vụ kiểm tra, phát hiện 4 cơ sở sản xuất 3.500 tấn giá đỗ ngâm hóa chất độc hại, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế và buôn lậu Công an tỉnh Nghệ An đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và ra Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với 04 đối tượng về tội Vi phạm quy định về an toàn thực phẩm.
(ANTV) - Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái vừa phát hiện, bắt giữ một phụ nữ vận chuyển trái phép 4 kg vàng qua cửa khẩu.
(ANTV) - Tối 19/4, tại Quảng trường Đài tưởng niệm Anh hùng liệt sĩ tỉnh Tây Ninh, Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an phối hợp UBND tỉnh Tây Ninh tổ chức chương trình nghệ thuật chính luận "Ký ức để lại". Chương trình được thực hiện nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và 65 năm Ngày thành lập Ban An ninh Trung ương cục miền Nam (7/1960 - 7/2025).
(ANTV) - Sáng 20/4, tại TP.HCM, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Thành ủy TP.HCM, Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương cùng Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia với Chủ đề “Đại thắng mùa Xuân 1975 với kỷ nguyên phát triển mới của dân tộc Việt Nam".
(ANTV) - Giữa những cánh rừng đại ngàn của Trường Sơn trùng điệp, có một con đường đã lưu lại dấu chân của hàng vạn con người và in đậm những trang sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Đó là con đường Trường Sơn – hay còn gọi là đường Hồ Chí Minh – một kỳ tích được tạo nên bằng ý chí, trí tuệ và máu xương của biết bao người con đất Việt trong suốt những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
(ANTV) - Bước vào giai đoạn tổng hợp luyện, các nữ chiến sĩ CAND tham gia diễu binh, diễu hành càng thêm tự tin, rạng rỡ. Gần 5 tháng miệt mài trên thao trường nắng như đổ lửa của miền Nam, họ đã tôi luyện bản lĩnh và ý chí thép qua từng bước chân, động tác.
(ANTV) - Bảo tàng – không chỉ là nơi lưu giữ những hiện vật của quá khứ mà còn là cánh cửa giúp chúng ta kết nối với lịch sử. Ngày nay, ngày càng nhiều bạn trẻ lựa chọn đến bảo tàng như một cách để tìm hiểu lịch sử, khơi dậy lòng tự hào dân tộc.
(ANTV) - Giới chức Ấn Độ cho biết ít nhất 11 người, trong đó có 3 trẻ em, đã thiệt mạng trong vụ sập một tòa nhà ở vùng ngoại ô thủ đô New Delhi của nước này vào sáng sớm 19/4 theo giờ địa phương.