(ANTV) - Trước lợi nhuận cao của cây sầu riêng khi được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, nhiều nông dân tại các tỉnh Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Đồng Bằng Sông Cửu Long đã và đang dần chuyển hướng từ cây tiêu, cà phê sang, lúa, cao su…sang cây trồng này.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa đưa ra khuyến cáo: việc tự phát chuyển đổi cây trồng có nguy cơ khiến cung vượt cầu trong những năm tới, mặt khác còn tác động đến phát triển kinh tế nông nghiệp khi quy hoạch bị phá vỡ; có thể đi vào "vết xe đổ" phải giải cứu như một số loại nông sản khác.
Tình trạng nông dân ồ ạt trồng sầu riêng cũng phổ biến tại Cần Thơ, Hậu Giang, Đồng Nai với diện tích hàng nghìn ha. Như ở Cần Thơ, diện tích cây sầu riêng năm 2015 là 537 ha, nay tăng lên 2.487 ha.
Diễn biến tương tự, ở khu vực Đông Nam Bộ, sầu riêng cũng được trồng khắp mọi nơi. Nghiêm trọng hơn là trồng ồ ạt loại cây này tại các vùng không phù hợp như vùng nhiễm mặn, nhiễm phèn, vùng không chủ động được tưới, tiêu sẽ gây thiệt hại nghiệm trọng về năng suất và chất lượng sầu riêng của Việt Nam.
Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối năm 2022 cả nước đã có khoảng 110.000 ha sầu riêng, trong khi định hướng phát triển chỉ khoảng 65.00 - 75.000 ha sầu riêng. Diện tích trên vẫn không dừng lại khi nhiều địa phương vẫn đang có hiện tượng phát triển "nóng" sầu riêng.
Việc tăng diện tích một cách ồ ạt, thiếu kiểm soát, theo phong trào, không theo định hướng, khuyến cáo sẽ dẫn đến hậu quả khó lường, cung vượt quá cầu, dư thừa.
Hiện trong 80.000 ha sầu riêng, chỉ có 5% diện tích được cấp mã vùng trồng xuất khẩu chính ngạch Trung Quốc, nên nếu nông dân tiếp tục trồng tự phát, cung vượt cầu sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điệp khúc trồng – chặt, điệp khúc giải cứu có thể xảy ra giống như các loại cây trồng khác.