(ANTV) - Tại Hà Tĩnh, thời gian qua năng hạn kéo dài đã khiến đời sống sản xuất nông nghiệp của bà con nông dân gặp nhiều khó khăn. Nhiều diện tích hoa màu, cây chủ lực bị hạn, chết cháy, gây nguy cơ mất mùa trên diện rộng.
Hiện trên địa bàn xã Kỳ Trung có trên 200 hecta chè. Từ tháng 3 cho đến nay, toàn xã có 20 hecta chè bị chết do nắng hạn… Mất mùa, sản lượng chè giảm, giá cả thấp, để cứu các diện tích còn lại, người dân buộc phải đầu tư hệ thống tưới tiêu, phân bón, do đó chi phí sản xuất cũng tăng lên khiến người nông dân rơi vào cảnh vô cùng khó khăn.
Trước tình hình trên, chính quyền địa phương và ngành chuyên môn cần tập trung các chính sách hỗ trợ cũng như chỉ đạo, động viên người trồng chè đầu tư hệ thống tưới, đảm bảo nguồn nước để cây chè né tránh tổn thất do thiên tai, cho năng suất ổn định, nâng cao thu nhập của người dân.
Khánh Hòa: Hiệu quả từ chuyển đổi cây trồng trong nông nghiệp
Những năm gần đây, chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng ngày càng được các địa phương quan tâm thực hiện. Hàng ngàn ha cây trồng được chuyển đổi, đáp ứng nhu cầu của nông dân. Đáng chú ý, không chỉ phục vụ mục đích chống hạn, nhiều nơi đã tập trung chuyển đổi giống cây trồng nhằm hình thành vùng sản xuất nông sản tập trung, phát triển thương hiệu, năng suất và chất lượng sản phẩm.
Vạn Ninh là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề nhất từ hạn hán năm nay. Đã có gần 50ha lúa vụ Hè Thu bị khô cháy. Cùng với đó là hàng trăm ha có nguy cơ thiếu nước vào cuối vụ. Năng suất một số vùng thu hoạch lúa sớm cũng chỉ bằng 70 - 80% năm trước. Tuy nhiên, thiệt hại có thể lớn hơn nếu như địa phương không kịp thời chuyển đổi cây trồng trước khi vào vụ sản xuất.
3 năm trở lại đây, Khánh Hòa đã tiến hành chuyển đổi hơn 2100 ha cây trồng. Bên cạnh mục tiêu giảm ảnh hưởng của hạn hán, nhiều địa phương cũng triển khai chuyển đổi cây trồng nhằm phát triển diện tích nông sản chủ lực, tăng năng suất nhằm đáp ứng các đơn hàng lớn. Trong đó, Khánh Sơn là một trong những địa phương thực hiện có hiệu quả. Hơn 750ha được chuyển đổi từ cây lương thực ngắn ngày, cây công nghiệp sang cây ăn quả có giá trị kinh tế cao.
Các chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng cũng được điều chỉnh, giúp người dân tiếp cận thuận lợi hơn. Thông qua việc hỗ trợ nguồn vốn, cây giống, kỹ thuật, người dân cũng từng bước sản xuất theo định hướng của chính quyền địa phương, giảm thiểu tình trạng tự phát. Trong thời gian tới, tùy thuộc yêu cầu thực tế, mỗi địa phương sẽ xây dựng định hướng chuyển đổi cây trồng phù hợp nhưng quan trọng vẫn ưu tiên nhiệm vụ chống hạn.
Trung bình mỗi năm, diện tích chuyển đổi cây trồng của các huyện, thị, thành phố dao động trên dưới 1000ha. Phần lớn đều mang lại hiệu quả, do đó diện tích chuyển đổi có chiều hướng tăng dần theo từng năm. Tuy nhiên, việc chuyển đổi cần phải đáp ứng với nhu cầu thị trường, cũng như đặc điểm thổ nhưỡng từng vùng đất. Có như vậy mới phát huy hiệu quả kinh tế các loại cây trồng, cũng như giảm thiểu nguy cơ cung vượt cầu trên thị trường.