(ANTV) - Từ ngày 01/7, Nghị định số 44/2023/NĐ-CP quy định chính sách giảm thuế giá trị gia tăng theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 ngày của Quốc hội đã chính thức có hiệu lực. Như vậy, hàng loạt các hàng hóa, dịch vụ có mức thuế giá trị gia tăng 10% đã được giảm xuống 8% từ nay cho đến hết năm 2023.
Đây là lần thứ 2 chính sách này được đưa ra nhằm hỗ trợ người dân, doanh nghiệp và kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và được đánh giá là một chính sách trúng và đúng trong thời điểm này.
Người dân sẽ là đối tượng được hưởng lợi trực tiếp từ việc giảm thuế VAT. Với việc giảm thuế VAT từ 10% xuống còn 8% với một số nhóm hàng hóa dịch vụ nhất định thì giá thành sản phẩm của các hàng hóa, dịch vụ này sẽ giảm, nhờ đó, các chi phí chi tiêu trong gia đình sẽ giảm theo. Đây là mong mỏi của nhiều người dân trong thời điểm này.
Anh Hoàng Duy Liên, Người tiêu dùng chia sẻ: Chính sách giảm thuế VAT từ 10% xuống 8% cũng giúp ích cho người dân rất là nhiều khi chúng tôi đi mua ở siêu thị hay chợ thì cũng đỡ được chi phí rất nhiều. Rất là nhỏ thôi nhưng rất nhiều người dân cần chính sách này để thúc đẩy nền kinh tế, giảm chi phí tiêu dùng rất nhiều.
Anh Đình Hoàn, Người tiêu dùng cho hay: Hiện tại thì mình cũng chỉ thấy ở các siêu thị lớn thì cái giá một số mặt hàng đã điều chỉnh giảm nhưng một số cửa hàng, dịch vụ ở bên ngoài thì cũng chưa. Mong sao chính sách sẽ phủ rộng hơn nữa để làm cho cuộc sống và nền kinh tế, thu nhập của người dân được cải thiện hơn.
Còn với các doanh nghiệp, trong bối cảnh vô cùng khó khăn lúc này, những hỗ trợ dù nhỏ nhất cũng có ý nghĩa lớn. Số lượng đơn hàng của doanh nghiệp này từ đầu năm đến nay đã giảm 50% việc sản xuất cũng cầm chừng. Tuy nhiên, với chính sách giảm thuế VAT, 20% nguồn nguyên vật liệu đầu vào cũng sẽ được giảm giá, doanh nghiệp này sẽ giảm được một phần không nhỏ chi phí sản xuất.
Chị Hà Thị Thanh Mai, Công ty Cổ phần Sơn Valpasee Việt Nam chia sẻ: Các doanh nghiệp hiện đang rất khó khăn, tình hình kinh tế đang rất khó khăn, nếu mà thuế giá trị gia tăng được giảm xuống thì đồng nghĩa với việc mà giá thành của sản phẩm được giảm xuống thì đương nhiên các doanh nghiệp sẽ có những khoản chi phí để khắc phục được những khó khăn hiện tại và giúp một phần nào đó để cải thiện đời sống cho anh em.
Để khắc phục những vướng mắc của doanh nghiệp trong lần giảm thuế VAT lần trước do có những nhóm hàng hóa, dịch vụ không được giảm thuế, lần này, Nghị định đã có những hướng dẫn cụ thể, chi tiết hơn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong quá trình thực hiện. Vì vậy, các doanh nghiệp cũng đã nhanh chóng tiếp cận để có thể hưởng được những lợi ích tối đa từ chính sách.
TS Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa - VINASME đánh giá: Chính sách trong thời điểm hiện nay là rất đúng, đúng thời điểm. Mà một chính sách chọn đúng thời điểm thì cực kỳ quan trọng. Lần này hướng dẫn đã có sự rút kinh nghiệm của lần trước và quy trình gọn lại, đơn giản hơn, dễ làm hơn và thậm chí dễ kiến nghị hơn nếu tiếp cận ở phía doanh nghiệp. Nên tôi tin là chính sách lần này sẽ vào nhanh hơn.
Theo TS Tô Hoài Nam - Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa, chính sách này sẽ là một cú hích cho doanh nghiệp và nền kinh tế… Song, Hiệp hội cũng đề xuất khi Nghị định 44 hết hiệu lực vào cuối năm 2023, chính sách giảm thuế VAT sẽ được cân nhắc tiếp tục thực hiện để đạt được những hiệu ứng đa chiều cho nền kinh tế…
TS Tô Hoài Nam, Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa - VINASME cho rằng: Riêng với quan điểm chúng tôi thời gian mà ta thực hiện từ 1/7 đến 31/12 chưa đủ thời gian để đủ liều lượng cho doanh nghiệp có thể chuyển biến được. Chúng tôi luôn luôn đề nghị là đến hết năm 2024 và nếu có thể thì tăng hơn mức 2%.
Bên cạnh chính sách giảm thuế giá trị gia tăng, chính sách giảm 36 loại phí, lệ phí từ 10 – 50% cũng đã chính thức được áp dụng từ 1/7. Đây sẽ là những động lực để thúc đẩy các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh và tăng trưởng trong 6 tháng cuối năm, tạo đà cho việc nền kinh tế về đích với mục tiêu tăng trưởng 6,5% như đã đề ra.