(ANTV) - Xung đột giữa quân đội Israel và phong trào Hồi giáo Hamas của người Palestine đã bước sang ngày thứ 4 liên tiếp và không hề có dấu hiệu hạ nhiệt. Theo thống kê, đến nay đã có hơn 1.000 người thiệt mạng trong đợt tấn công của lực lượng Hamas tại Israel từ hôm 7/10, trong khi phía Hamas cho hay ít nhất 830 người đã thiệt mạng và hàng nghìn người khác bị thương trong chiến dịch quân sự đáp trả của Israel tại Gaza.
Quân đội Israel hôm qua thông báo đã kiểm soát phần lớn miền Nam và tái chiếm toàn bộ khu vực biên giới với Gaza. Trong khi đó, giao tranh cũng tiếp diễn tại khu vực biên giới phía Bắc của Israel, giáp với Liban. Đáng chú ý, quân đội Israel cho hay đã lần đầu tiên đáp trả bằng pháo kích từ Cao nguyên Golan, sau khi nhiều đạn pháo được bắn về đây từ phía Syria.
Cùng ngày, lực lượng Hamas đã tiếp tục nã rocket về phía Israel, sau khi cảnh báo người dân ở thành phố cảng miền Nam Ashkelon của Israel phải sơ tán trước 5h chiều (theo giờ địa phương).
Trong 24 giờ qua, quân đội Israel cũng đã 3 lần không kích cửa khẩu Rafah kết nối giữa Gaza và Ai Cập. Nhà chức trách Ai Cập đã buộc phải cảnh báo người dân Palestine cần nhanh chóng sơ tán khỏi khu vực này. Rafah là cửa khẩu duy nhất mà phía Israel hiện chưa kiểm soát.
Cộng đồng quốc tế nỗ lực tìm giải pháp cho xung đột Israel-Hamas
Trong bối cảnh cuộc xung đột giữa Israel và Hamas diễn biến căng thẳng với số thương vong của hai phía ngày càng tăng, nhiều quốc gia tiếp tục thúc đẩy các nỗ lực hòa giải.
Kể từ khi xung đột nổ ra, các nước lớn và chính phủ trong khu vực như Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ và các quốc gia vùng Vịnh đã tích cực triển khai nhiều hoạt động ngoại giao nhằm thúc đẩy giảm căng thẳng, đạt được sự bình tĩnh để ngăn chặn đổ máu và bảo vệ dân thường.
Cùng ngày, Ai Cập và Jordani cam kết viện trợ thực phẩm và thiết bị y tế cho người dân ở khu vực xảy ra xung đột. Trong khi đó, Saudi Arabia cũng cho biết Thái tử nước này đã khẳng định với Tổng thống Chính quyền Palestine rằng đang nỗ lực để đảm bảo xung đột sẽ không lan rộng trong khu vực. Tại hội nghị bộ trưởng lần thứ 27 Liên minh châu Âu (EU) và Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) diễn ra tại Oman, đã tập trung thảo luận về tình hình Israel-Palestine, khả năng giảm leo thang xung đột và giải quyết khủng hoảng. Tại hội nghị, Hy Lạp đã đề xuất kế hoạch 5 điểm cho cuộc xung đột ở Trung Đông, đề xuất các tổ chức quốc tế lớn tổ chức hội nghị với sự tham gia của các bên liên quan.Theo kế hoạch, các ngoại trưởng EU sẽ họp khẩn trong ngày 11/10 tại Oman để thảo luận về xung đột giữa Hamas và Israel.