(ANTV) - Trong ngày khai mạc, Hội nghị lần thứ 28 Các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu (COP28) đã thông qua việc thành lập Quỹ đền bù tổn thất và thiệt hại cho các nước dễ bị tổn thương nhất do biến đổi khí hậu. Đây được đánh giá là tín hiệu hết sức tích cực trong lộ trình hội nghị kéo dài 2 tuần tại Các Tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE).
Một số quốc gia đã ngay lập tức thể hiện cam kết của mình đối với Quỹ đền bù tổn thất và thiệt hại do biến đổi khí hậu, trong đó có khoản tài trợ 100 triệu USD từ nước chủ nhà và Đức.
Tuy nhiên, nhiều vấn đề liên quan đến Quỹ này vẫn chưa được giải quyết, chẳng hạn như quy mô của nó, ai sẽ là người quản lý, viêc phân chia thực tế sẽ như thế nào. Những vấn đề này đều đang kỳ vọng được giải quyết trong 2 tuần tới đây của COP28.
Các quốc gia đang phát triển từ lâu đã tìm cách giải quyết vấn đề thiếu kinh phí để ứng phó với các thảm họa do biến đổi khí hậu. Một báo cáo của LHQ ước tính, các quốc gia này sẽ cần tới hơn 300 tỷ USD mỗi năm nếu muốn thích ứng với những thay đổi khốc liệt của khí hậu.
Chi tiêu quốc phòng của EU năm 2022 đạt mức kỷ lục
240 tỷ euro (khoảng 260 tỷ USD) là mức chi tiêu quân sự của Liên minh châu Âu (EU) trong năm 2022. Con số này tăng 6% so với năm 2021 và là mức chi tiêu kỷ lục dành cho quốc phòng.
Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA) chỉ ra rằng, sự gia tăng này chủ yếu là do nhiều nước thành viên của EU gia tăng hoạt động mua sắm khí tài mới nhằm sẵn sàng thích nghi trước thực tế mới, với những đòi hỏi mang tính thời đại, cùng với đó là những khoản viện trợ quân sự dành cho Ukraine.
Tuy nhiên, EDA cũng cảnh báo sự chênh lệch về năng lực quốc phòng giữa các nước thành viên và khả năng bắt kịp với một số quốc gia khác trên thế giới.
Các quan chức quốc phòng hàng đầu của EU nhấn mạnh, mục tiêu chi 2% GDP cho quốc phòng từ năm 2024, theo như cam kết với NATO, sẽ chỉ có thể thực hiện được vào năm tới với các quỹ đặc biệt, nếu không sẽ cần đến các khoản tiết kiệm lớn hoặc tăng thuế.