(ANTV) - Văn phòng Thủ tướng Israel thông báo Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu đã có cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan để thảo luận về nhiều vấn đề song phương và quốc tế cùng quan tâm.
Thông báo cho biết cuộc hội đàm diễn ra bên lề Tuần lễ cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 tại New York, Mỹ; trong đó hai nhà lãnh đạo quyết định tiếp tục thúc đẩy quan hệ song phương về thương mại, kinh tế và năng lượng, đồng thời cho biết sẽ sớm thực hiện các chuyến thăm cấp cao lẫn nhau.
Hai bên cũng thảo luận các vấn đề khu vực và quốc tế, trong đó có việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel và Saudi Arabia.
Trong khi đó, phía Thổ Nhĩ Kỳ cho biết hai nhà lãnh đạo đã đề cập tới những diễn biến mới nhất liên quan đến cuộc xung đột Israel-Palestine.
Cuộc gặp diễn ra trong bối cảnh sau hơn một thập kỷ căng thẳng, quan hệ giữa Israel và Thổ Nhĩ Kỳ đã cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây với các chuyến thăm cấp cao, trong đó có chuyến thăm của Tổng thống Israel Isaac Herzog tới Ankara hồi năm ngoái.
Romania khẳng định tầm quan trọng của Biển Đen
Phát biểu tại Khóa họp 78 Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) tại New York (Mỹ), Tổng thống Rumani Klaus Iohannis đã kêu gọi cộng đồng quốc tế chú ý nhiều hơn tới vị trí then chốt của Biển Đen cũng như tầm quan trọng chiến lược của khu vực này.
Tổng thống Iohannis nhấn mạnh kể từ khi xung đột bùng phát tại quốc gia láng giềng Ukraine, Rumani đã nỗ lực đóng góp vững chắc cho an ninh cũng như sự ổn định của khu vực và quốc tế.
Nhà lãnh đạo Rumani cũng khẳng định cuộc xung đột Nga-Ukraine đã cho thấy rằng khu vực Biển Đen cần được thế giới chú ý hơn bởi vị trí chiến lược quan trọng đối với an ninh xuyên Đại Tây Dương.
Ông Iohannis cho rằng tình trạng mất an ninh lương thực, bất ổn về năng lượng và kinh tế đang ảnh hưởng tới toàn bộ thế giới; đặc biệt là những quốc gia dễ bị tổn thương nhất tại Nam Bán cầu.
Bên cạnh đó, Tổng thống Rumani cũng kêu gọi Nga quay trở lại thực thi Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen đồng thời khẳng định vai trò chủ động của Bucharest trong các nỗ lực toàn cầu.
Cụ thể, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Rumani đã tiếp nhận hơn 6 triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn cũng như hỗ trợ vận chuyển 25 triệu tấn ngũ cốc của quốc gia láng giềng.