(ANTV) - Cháy nổ vẫn tiếp tục có diễn biến phức tạp khi liên tiếp trong những ngày vừa qua tại các địa phương trên cả nước đã xảy ra các vụ cháy gây thiệt hại lớn về người. Vụ cháy xảy ra lúc 23h ngày 12/9 tại phường Khương Đình, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội cũng đã khiến nhiều người thương vong.
Rạng sáng 13/9, lực lượng chức năng mới dập tắt được đám cháy tại số nhà 37 ngách 29/70 phố Khương Hạ, có diện tích khoảng trên 200m2 với khoảng 150 người dân sinh sống.
Vụ cháy xảy ra ban đêm nên có nhiều người mắc kẹt bên trong. Khu vực bị cháy được xây kiểu nhà ống với một mặt tiền, 3 mặt giáp nhà dân. Do hiện trường nằm trong ngõ sâu, nên công tác cứu hỏa gặp rất nhiều khó khăn.
Thông tin vụ cháy được CDM theo dõi, cập nhật liên tục. Mong muốn con số thiệt hại về người thấp nhất có thể, mong các nạn nhân mắc kẹt được lực lượng chức năng giải cứu, đưa ra từ hiện trường sẽ nhanh chóng hồi phục và an toàn.
CDM cũng liên tục chia sẻ hình ảnh của lực lượng Cảnh sát PCCC tại hiện trường. Hàng trăm CBCS được huy động, chạy đua với thời gian. Nỗ lực, khẩn trương tiếp cận và giải cứu đưa các nạn nhân mắc kẹt ra ngoài. Người dân cũng tích cực, chung tay, hỗ trợ lực lượng chức năng trong công tác cứu nạn cứu hộ.
Đến 5h ngày 13/9, thống kê sơ bộ đã cứu hộ thành công trên 70 người dân, đưa đi cấp cứu 54 người.
Trước đó, sáng 11/9, tại TP Hồ Chí Minh, hỏa hoạn bùng lên kèm nhiều tiếng nổ lớn trong căn nhà cấp 4 ở quận Gò Vấp, hai trẻ em ngủ ở gác lửng mắc kẹt và tử vong.
Theo lực lượng chức năng, trước thời điểm xảy ra vụ cháy, bố mẹ hai cháu nhỏ đi chợ đầu mối cách nhà gần 30 km lấy hải sản về bán nên khóa cửa ngoài. Hỏa hoạn khi hai đứa trẻ đang ngủ, căn nhà có lối thoát hiểm phía trước và bên hông nhưng cửa đều bị khóa.
CDM cảnh báo và cho rằng đây tiếp tục là một bài học nữa cho các gia đình trong công tác phòng ngừa cháy nổ. Hỏa hoạn có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Việc khóa cửa để lại con nhỏ trong nhà là rất nguy hiểm.
CDM cũng đánh giá cao khi thời gian qua, lực lượng Công an các đơn vị địa phương đã thường xuyên xuống các khu dân cư, tuyên truyền hướng dẫn cho các hộ dân mở lối thoát nạn thứ hai cho ngôi nhà; trang bị bình chữa cháy xách tay.
Xây dựng các tổ liên gia an toàn PCCC, các điểm chữa cháy công cộng để người dân chủ động hơn trong việc xử lý các đám cháy ngay từ khi mới phát sinh. Đây là việc làm thiết thực, bước đầu có hiệu quả trong công tác phòng ngừa cháy nổ.
Nhưng chỉ mỗi nỗ lực của lực lượng Công an thôi là chưa đủ. CDM cho rằng, công tác phòng ngừa phải được làm tốt ngay từ trong mỗi gia đình, từ ý thức của mỗi người dân. Bởi có những lúc, câu nói “ giá như” đã trở nên quá muộn.