(ANTV) - Du lịch Việt Nam là ngành chịu tổn thất nặng nề nhất trong các ngành kinh tế do tác động của đại dịch Covid-19. Sau hơn nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng, ngành này đã làm gì để tìm hướng phục hồi và tìm cách tăng tốc phát triển hiệu quả, bền vững sau thời gian thử thách vừa qua? Phóng sự sau đây, sẽ giúp quý vị, hình dung phần nào những nỗ lực của ngành du lịch trong khắc phục khó khăn, vượt qua giai đoạn khủng hoảng.
Đại dịch Covid-19, đã tác động nặng nề đến mọi mặt kinh tế toàn cầu, khiến ngành Du lịch sụt giảm mạnh nhất trong lịch sử.
Sau khi dịch Covid-19 được khống chế, ngành Du lịch đã dần được phục hồi và từng bước nới lỏng hạn chế đi lại kể từ cuối năm 2021. Đặc biệt là từ ngày 15.3.2022, Việt Nam đã mở cửa trở lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới
Liên tục từ khi mở cửa, Bộ VHTTDL đã đẩy mạnh thông tin, truyền thông, xúc tiến quảng bá, tổ chức các sự kiện văn hoá, thể thao và du lịch, giúp du lịch có bước phục hồi nhanh. Công tác chuyển đổi số trong du lịch được đẩy mạnh nhằm góp phần hình thành nền kinh tế số.
Cùng với nỗ lực của bản thân mỗi doanh nghiệp, Chính phủ cùng các cơ quan ban ngành, cũng đã ban hành và thực hiện nhiều chính sách tiếp tục hỗ trợ trực tiếp đến các doanh nghiệp, người lao động trong lĩnh vực du lịch như: Chính sách về giảm thuế suất VAT từ 10% xuống 5%, điều chỉnh giá điện áp dụng cho các cơ sở lưu trú du lịch, kéo dài chính sách giảm tiền thuê đất đối với các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch.
Trong nửa đầu nhiệm kỳ vừa qua, Bộ VHTTDL đã chủ động tham mưu Quốc hội, Chính phủ ban hành các chính sách, giải pháp phục hồi và phát triển du lịch toàn diện, bền vững. Nổi bật là Nghị quyết số 82/NQ-CP về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững. Và mới đây nhất, ngày 24.6.2023, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất, nhập cảnh với nhiều quy định thông thoáng, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút khách quốc tế đến Việt Nam.
Hoạt động này, thể hiện sự thống nhất tư duy và hành động của cộng đồng doanh nghiệp du lịch là hội viên của Hiệp hội Du lịch Việt Nam, và sự cam kết của cộng đồng doanh nghiệp du lịch Việt Nam trong thực thi đường lối chính sách của Đảng, Chính phủ và Quốc hội về phát triển du lịch.
“Nỗ lực, vượt khó”- đó là những dấu ấn mà cả hệ thống chính trị và toàn ngành du lịch đã thực hiện trong nửa nhiệm kì thực hiện Nghị quyết ĐH 13 của Đảng. Những đột phá, sáng tạo trong cách làm du lịch trong thời gian chống đỡ với đại dịch Covid-19 vừa qua sẽ là nền tảng, tạo đà để du lịch Việt Nam tìm được thời cơ trong thách thức, chủ động đón nhận cơ hội mới, tiếp tục khẳng định vị thế của du lịch Việt Nam.