(ANTV) - Các cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ) cảnh báo thành phố Derna của Libya, vốn bị lũ lụt tàn phá nghiêm trọng, đang đối mặt với nguy cơ bùng phát dịch bệnh và điều này có thể gây ra cuộc khủng hoảng thảm khốc thứ hai.
Các cơ quan LHQ cho biết hiện có khoảng 30.000 người đang lâm vào cảnh vô gia cư, rất cần nước sạch, lương thực và các nhu yếu phẩm cơ bản trong bối cảnh nguy cơ mắc bệnh tả, tiêu chảy, mất nước và suy dinh dưỡng ngày một gia tăng.
Phái bộ Hỗ trợ của LHQ tại Libya cảnh báo, các quan chức địa phương, các cơ quan viện trợ và Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đang quan ngại nguy cơ bùng phát dịch bệnh, đặc biệt do nguồn nước nhiễm khuẩn và môi trường không đảm bảo vệ sinh.
Trong những ngày qua, các tổ chức của LHQ bao gồm Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Cao uỷ LHQ về người tị nạn (UNHCR) và Chương trình Lương thực Thế giới (WFP) đã cử các nhóm có mặt tại Derna và các khu vực lân cận để trợ giúp những người còn sống sót.
Cho đến nay, các suất hỗ trợ thực phẩm đã được phân phối cho hơn 5.000 hộ gia đình. WHO cũng đã chuyển 28 tấn vật tư y tế tới hỗ trợ khu vực thảm họa, đồng thời tài trợ xe cứu thương và các bộ dụng cụ y tế.
Liên quan đến công tác cứu trợ, Mỹ cho biết sẽ viện trợ bổ sung 1 triệu USD nhằm đáp ứng các nhu cầu nhân đạo của người dân Libya sau trận lũ lụt vừa qua.
WB cảnh báo người Palestine khó tiếp cận dịch vụ y tế
Ngày 19/9, Ngân hàng Thế giới (WB) cho biết lệnh hạn chế của Israel cũng như những khó khăn tài chính ngày càng gia tăng ở các vùng lãnh thổ Palestine đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến điều kiện kinh tế của người dân Palestine và cản trở họ tiếp cận kịp thời với dịch vụ y tế.
Trong một báo cáo, WB đánh giá nền kinh tế Palestine đang hoạt động dưới mức tiềm năng với thu nhập bình quân đầu người dự kiến không thay đổi. Tình trạng nghèo đói ở các vùng lãnh thổ của Palestine đang gia tăng với 25% người Palestine sống dưới mức nghèo.
Báo cáo nêu rõ các hạn chế Israel áp đặt đối với việc đi lại và hoạt động thương mại ở khu Bờ Tây bị chiếm đóng, lệnh phong tỏa đối với Dải Gaza và sự chia cắt giữa hai vùng lãnh thổ của Palestine nằm trong số những yếu tố khiến nền kinh tế Palestine đối mặt với rủi ro cao.
Cụ thể, những khó khăn tài chính đang đè nặng lên hệ thống y tế của người dân Palestine, đặc biệt là khả năng đối phó với gánh nặng ngày càng tăng từ các bệnh không lây nhiễm.
Việc tiếp cận các dịch vụ y tế bên ngoài để điều trị bệnh ung thư, bệnh tim, các điều kiện chăm sóc sản phụ và trẻ sơ sinh chịu ảnh hưởng đáng kể do các hạn chế về thủ tục hành chính.
WB cũng kêu gọi chính quyền Israel và Palestine quản lý tốt hơn các trường hợp người bệnh cần điều trị kịp thời, giảm bớt thủ tục cấp phép cho bệnh nhân và người chăm sóc họ.