(ANTV) - Thông tư 04/2022 của Bộ Giao thông vận tải yêu cầu môn thi mô phỏng lái xe ô tô được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với các hạng bằng B1, B2, C, D, E và FC. Và kể từ tháng 6/2022, môn thi mô phỏng trên màn hình các tình huống giao thông áp dụng trong kỳ thi giấy phép lái ô tô.
Sau hơn 1 năm áp dụng nhiều sở giao thông vận tải ở các địa phương đề xuất bỏ phần thi mô phỏng lái xe vì phần mềm không sát thực tế, đánh đố người thi. Rất đông cư dân mạng đã lên tiếng ủng hộ đề xuất này.
Góp ý về sửa đổi quy định đào tạo, sát hạch lái xe, nhiều đơn vị cho rằng phần mềm mô phỏng thiếu thực tế, đánh đố người thi. Thí sinh dự sát hạch hoàn toàn bị áp đặt theo ý chí chủ quan của người viết phần mềm, không phù hợp với thực tế khi tham gia giao thông.
Đồng tình với quan điểm này, cư dân mạng cho rằng trong thực tế người lái xe muốn lái xe an toàn thường xử lý sớm, xử lý trước khi phát hiện tình huống nguy hiểm, tức là càng sớm thì càng an toàn. Thế nhưng ngược đời là khi thi sát hạch, thí sinh chỉ cần xử lý trước 0,01% giây là bị 0 điểm.
Theo cư dân mạng và đại diện các cơ sở đào tạo thì Cục Đường bộ Việt Nam cần sớm xem xét lại phần thi mô phỏng này, hoặc là bỏ luôn hoặc là phải điều chỉnh. Hiện nay rất nhiều người dù có kinh nghiệm lái xe hàng chục năm thi thử vẫn rớt. Khi đi trên đường gặp tình huống nguy hiểm, mỗi người sẽ có cách phản ứng và xử lý tình huống khác nhau. Không thể lập trình bắt buộc xử lý máy móc như chơi game được.
Một số cư dân mạng cho biết việc thi theo phần mềm khiến người học lái xe gặp rất nhiều khó khăn. Hầu hết người học ghi nhớ như học thuộc bài chứ chưa thể xử lý theo đúng phản xạ thực tế. Dù quan sát tốt tới đâu, phản xạ nhanh thế nào vẫn không thể có điểm cao, thậm chí bị 0 điểm. Như vậy, mục đích đo phản xạ của người học khó đạt được trong chương trình học và thi mô phỏng.
Theo thống kê, tỉ lệ rớt phần thi mô phỏng là 10%. Nhiều thí sinh, giáo viên dạy lái nhận xét thi lấy bằng lái ô tô hiện nay sợ rớt nhất là phần thi mô phỏng. Việc học mẹo để thi hoàn toàn không có tính ứng dụng thực tiễn, mà chỉ đối phó.
Cộng đồng cư dân mạng đều nêu quan điểm có thể đưa phần mềm mô phỏng vào chương trình đào tạo môn xử lý tình huống giao thông để người học làm quen. Còn nên bỏ quy định phải sát hạch nội dung lý thuyết mô phỏng các tình huống giao thông. Hoặc ít nhất cần điều chỉnh lại 120 câu hỏi mô phỏng tình huống và cách chấm điểm cho phù hợp với thực tế.