(ANTV) - Sáng 9/9, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 8 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Các ý kiến tại phiên họp thống nhất nhận định tình hình kinh tế - xã hội tháng 8 tiếp tục có xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực đạt kết quả tốt hơn so với tháng 7, duy trì đà tháng sau tốt hơn tháng trước, quý sau tốt hơn quý trước.
Tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chúng ta đã đi qua 8 tháng-2/3 thời gian của năm 2023 trong bối cảnh tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp; khó khăn, thách thức tiếp tục nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Trong bối cảnh đó, dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng mà trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chính phủ cùng các cấp, các ngành, các địa phương đã nỗ lực vượt bậc, tập trung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; vừa triển khai quyết liệt, đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm các nhiệm vụ, giải pháp đề ra.
Nhờ đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát được kiểm soát, tăng trưởng được thúc đẩy, các cân đối lớn được bảo đảm; nợ công, nợ Chính phủ, nợ nước ngoài, bội chi được kiểm soát tốt. Chính trị - xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được giữ vững, hội nhập, đối ngoại được thúc đẩy và mở rộng với nhiều sự kiện ngoại giao sôi động, nhiều nước muốn nâng cấp quan hệ với Việt Nam, vai trò, vị thế, uy tín của đất nước ngày càng được nâng lên.
Tuy nhiên, còn những tồn tại, hạn chế và khó khăn, vướng mắc liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp; thị trường bất động sản có khởi sắc nhưng còn khó khăn; những vấn đề liên quan tới các dự án thua lỗ, các ngân hàng yếu kém; lĩnh vực da giày, dệt may đã có đơn hàng nhiều hơn nhưng tăng trưởng công nghiệp vẫn có khó khăn; tiếp cận tín dụng khó khăn, tăng trưởng tín dụng thấp...
Thủ tướng nêu rõ nhiều bài học kinh nghiệm trong đó siết chặt kỉ luật, kỉ cương, trong quản lý, chỉ đạo, điều hành nắm chắc tình hình, phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, linh hoạt, tổ chức hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phân cấp, phân quyền và phối hợp chặt chẽ giữa các Bộ, ngành và các cơ quan trong hệ thống chính trị, lắng nghe thấu hiểu ý kiến của người dân, doanh nghiệp. Kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc.
Thời gian tới, Thủ tướng đề nghị thúc đẩy 3 động lực tăng trưởng: Đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng có trọng tâm, trọng điểm, vực dậy phát triển công nghiệp nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, tháo gỡ đứt gãy về thị trường chuỗi cung ứng, củng cố phát huy lĩnh vực nông nghiệp, dịch vụ.