(ANTV) - Với mục đích tôn vinh và tri ân các thầy, cô giáo tiêu biểu của ngành giáo dục và đào tạo, Giải thưởng mang tên nhà giáo lỗi lạc đất Nam Bộ Võ Trường Toản do Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM tổ chức như một dấu son lưu lại hàng năm đúng vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11.
50 nhà giáo được nhận giải thưởng năm nay là những cán bộ, giáo viên tiêu biểu của ngành giáo dục đào tạo Thành phố - những người đã và đang đóng góp công sức, tâm huyết với sự nghiệp “trồng người”.
Là 1 trong 50 nhà giáo được nhận giải thưởng thường niên của ngành giáo dục TPHCM, nhằm tôn vinh những người làm trong ngành giáo dục có nhiều cống hiến, cô Võ Thị Tuyết, giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật (quận 3, TPHCM) xúc động chia sẻ với hàng trăm giáo viên, đại biểu trong lễ trao Giải thưởng Võ Trường Toản năm 2023 sáng 17/11.
Đối với cô, dù là người khuyết tật nhưng cô không hề cảm thấy mình thiệt thòi. Trái lại, cô cảm thấy vui và tự hào vì những việc mình đã làm có thể giúp ích cho xã hội, mở ra cánh cửa khác, thay đổi cuộc đời của những em bị khuyết tật. Trong suốt hành trình làm nghề, ngoài kiến thức chuyên môn, cô luôn giữ cho mình một trái tim ấm, lòng yêu nghề, biết thấu cảm với phụ huynh và học sinh.
Cô Võ Thị Tuyết, Giáo viên Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cho người khuyết tật, Quận 3, TP. HCM: "Chỉ còn 1 tháng nữa là tôi không còn là cô giáo của trung tâm nữa, tôi sẽ nhận quyết định về hưu, hôm nay hôm xúc động, tôi rơi nước mắt vì tôi quá hạnh phúc."
Nhiều giáo viên, cán bộ quản lý được vinh danh Giải thưởng Võ Trường Toản bộc bạch, nghề giáo tuy không mang lại nhiều giá trị về vật chất nhưng bù đắp cho họ những giá trị tinh thần vô giá. Đó là sự trở về, dấn thân của nhiều thế hệ học sinh giỏi tự nguyện ghi danh vào ngành sư phạm, tiếp bước thầy, cô của mình thắp lên ngọn lửa cống hiến.
Trong suốt hành trình khai sáng tri thức, các thầy, cô giáo luôn chọn lối sống chuẩn mực, tận tụy với nghề, hết lòng vì học sinh thân yêu. Những câu chuyện về lòng yêu nghề, tinh thần sống tích cực vẫn còn vẹn nguyên giá trị để các thầy cô truyền lại cho nhiều thế hệ học sinh.
Thầy Trần Tấn Tài, Hiệu trưởng Trường THCS Lý Phong, Quận 10, TP. HCM: "Tôi mong muốn tất cả thầy cô phải yêu thương học sinh như chính con em mình .Tôi rất tự hào khi đã dành cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp giáo dục."
Có thể nói các thầy, cô giáo vừa là kỹ sư xây dựng nền tảng về tri thức, nhân cách cho học sinh, vừa là người truyền cảm hứng, hoàn thiện nhân sinh quan, thái độ, tình cảm cho học trò.
Giải thưởng Võ Trường Toản năm nay tiếp tục ghi nhận sự cháy hết mình với ngọn lửa đam mê cống hiến, những cánh chim đầu đàn lan tỏa lòng yêu nghề, tinh thần ham học hỏi, không ngừng đổi mới, sáng tạo trên bục giảng và truyền cảm hứng cho các thế hệ sau tiếp bước. Đây là dịp tôn vinh quý thầy cô và thông qua đó mong muốn sẽ có nhiều gương mặt nhà giáo xuất sắc hơn nữa đóng góp cho sự phát triển của ngành giáo dục đào tạo TP.HCM nói riêng và xã hội nói chung .
Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP. HCM: "Đây là sự ghi nhận rất lớn của Lãnh đạo Thành phố, Ngành Giáo dục TP với các thầy cô mà không chỉ riêng ở một bậc học nào, dù là tiểu học, thcs. Qua đó thì thầy cô sẽ có thêm ý chí cống hiến vì học sinh thân yêu, mang những giá trị tốt đẹp đến với các em học sinh."
Sự tôn vinh, tri ân các thầy cô giáo thể hiện ở niềm tin của học sinh, phụ huynh và toàn xã hội đối với các thầy, cô giáo. Niềm tin ấy đòi hỏi mỗi thầy cô, cán bộ, nhân viên đang công tác trong ngành không ngừng phấn đấu rèn luyện, trau dồi đạo đức, nêu cao tinh thần trách nhiệm, hoàn thiện trình độ chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ được giao.