(ANTV) - Việc trang bị kiến thức, kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và hình thành kỹ năng nhận diện, phòng tránh các tình huống nguy hiểm cho học sinh, sinh viên là vô cùng cần thiết, đang được Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Công an đẩy mạnh tuyên truyền.
Hiện nay cả nước có hơn 50.000 cơ sở giáo dục từ cấp mầm non đến đại học. Bên cạnh các cơ sở giáo dục được xây mới, còn rất nhiều các cơ sở giáo dục được cải tạo từ các cơ sở sản xuất cũ, được thuê lại từ các văn phòng, không có công năng làm trường học.
Đặc biệt đối với các trường mầm non. Theo đó, hệ thống thiết bị điện chưa đảm bảo so với quy định. Trong trường học có chứa nhiều chất cháy như bàn, ghế, đồ dùng giảng dạy, thiết bị điện, các thiết bị thí nghiệm, hóa chất dễ cháy, phòng máy tính và đặc biệt hệ thống bếp ăn của các trường bán trú.
Với đặc điểm của trường học là nơi có mật độ người đông, khi xảy ra cháy, nổ việc thoát hiểm, cứu nạn, cứu hộ sẽ khó khăn đối với các khu vực đông dân cư hoặc các khu vực thành thị.
Ông Nguyễn Danh Khoa, Giám đốc Viện Khoa học an toàn Việt Nam: "Trong thời gian qua trên nhiều địa phương của cả nước đã xảy ra rất nhiều những vụ hỏa hoạn gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Một trong những yếu tố tiên quyết để có thể ngăn ngừa được đó là nhận thức, kiến thức của người dân nói chung và đặc biệt là các em học sinh nói riêng về công tác an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ cần phải được trang bị như một nhiệm vụ cấp bách và cần thiết để chặn đứng các nguy cơ hỏa hoạn tái diễn."
Đánh giá tình hình thực tế có thể thấy, nếu có kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy tốt thì người dân, học sinh, sinh viên nói riêng hoàn toàn có thể phòng tránh hoặc tự thoát hiểm, thoát nạn trong các trường hợp cháy xảy ra. Điều đó khẳng định việc trang bị và hỗ trợ học sinh rèn luyện thường xuyên các kỹ năng về phòng cháy chữa cháy và cứu nạn cứu hộ là rất cần thiết
Thiếu tá Nguyễn Danh Luân, Cán bộ Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, Bộ Công an: "Thông tư 06 của Bộ Giáo dục đã được ban hành và các cơ sở giáo dục phải triển khai việc giảng dạy các kiến thức, kỹ năng về phòng cháy, chữa cháy cho các đối tượng học sinh các cấp từ mầm non đến trung học phổ thông. Vì vậy, nếu triển khai được thì các cơ sở giáo dục, đặc biệt là các nhà trường phải tổ chức tập huấn cho đội ngũ giáo viên nòng cốt của nhà trường để đảm bảo có số lượng đủ giáo viên giảng dạy các kiến thức, kỹ năng này theo tài liệu đã được ban hành, để các em học sinh sẽ có được kiến thức theo từng cấp bậc học để khi hết lớp 12 thì các em có một kĩ năng mềm cơ bản để có thể xử lý các tình huống trong cuộc sống."
Ông Đỗ Thanh Tuấn, Giám đốc Dự án, Công ty TNHH Dịch vụ kỹ thuật Đại Tín – DATICO: "Qua kinh nghiệm thực tế nhiều năm trong lĩnh vực thực hiện hồ sơ pháp lý & thi công về PCCC. DATICO nhận thấy rằng, các cơ sở giáo dục hiện nay cũng đã cơ bản đảm bảo về đường thoát nạn cũng như là phương tiện chữa cháy. Tuy nhiên, thiết bị phòng cháy, chữa cháy và các thiết bị cứu hộ, cứu nạn trong từng phòng học, đặc biệt là những khu vực có nguy cơ cháy nổ cao thì còn chưa đảm bảo. Do đó, hàng năm các cơ sở giáo dục cần phải có nguồn kinh phí để hoàn thiện về trang thiết bị PCCC và thực hiện công tác bảo trì, bảo dưỡng đối với các loại phương tiện PCCC. Song song đó là những kiến thức, kỹ năng của học sinh, ví dụ như cách sử dụng bình chữa cháy, thoát nạn từ nhà cao tầng, thoát nạn trong phòng khói khí độc phải được nhà trường tập huấn để các em có được trải nghiệm một cách hiệu quả, giảm thiểu các nguy cơ xảy ra cháy, nổ trong các cơ sở giáo dục."
Nếu học sinh, sinh viên được trang bị các kỹ năng xử lý, đối mặt với những tình huống như hỏa hoạn, đuối nước, chập điện... thì ngoài việc tự nhận diện và phòng tránh nguy hiểm cho bản thân, các em còn có thể giúp đỡ được người khác tại cộng đồng theo phương pháp đã được giảng dạy.