Thứ Ba, 17/09/2024 02:04 GMT+7
  • ANTV
  • Hotline: 0692324026
  • Email: news@antv.gov.vn

Nhân Văn - Tin Cậy - Kịp Thời - Hấp dẫn

Sự kiện

Thế giới

Tổng thống Mỹ Joe Biden từ bỏ cuộc đua với đối thủ Donald Trump

TTXVN

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kết thúc chiến dịch tái tranh cử của mình vào ngày 21/7 sau khi các thành viên đảng Dân chủ mất niềm tin vào sự nhạy bén về tinh thần và khả năng đánh bại đối thủ đảng Cộng hoà Donald Trump của ông.

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ tiếp tục giữ vai trò tổng thống và tổng tư lệnh cho đến khi nhiệm kỳ kết thúc vào tháng 1/2025 và sẽ có bài phát biểu liên quan trước toàn quốc trong tuần này. Ảnh Joe Biden/X

Trong một bài đăng trên mạng xã hội X, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông sẽ tiếp tục giữ vai trò tổng thống và tổng tư lệnh cho đến khi nhiệm kỳ kết thúc vào tháng 1/2025 và sẽ có bài phát biểu liên quan trước toàn quốc trong tuần này.

Theo hãng tin Reuters, bằng cách từ bỏ nỗ lực tái tranh cử, ông Biden đã dọn đường cho Phó Tổng thống Kamala Harris trở thành người phụ nữ da màu đầu tiên trong lịch sử giành tấm vé tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ.

Cùng với quyết định kết thúc chiến dịch tranh cử của mình, ông Biden, 81 tuổi, đã đăng hình hoạt động của mình với Phó Tổng thống Kamala Harris, nhưng tới nay vẫn không rõ liệu các đảng viên đảng Dân chủ cấp cao khác có thách thức bà Harris để giành được đề cử của đảng Dân chủ hay không.

Thông báo của Biden diễn ra sau một làn sóng áp lực công khai và riêng tư từ các nhà lập pháp đảng Dân chủ và các quan chức đảng buộc ông phải từ bỏ cuộc đua sau thành tích kém cỏi đáng kinh ngạc của ông trong cuộc tranh luận trên truyền hình vào tháng trước trước đối thủ đảng Cộng hòa Donald Trump.

Ông Biden tuyên bố tái tranh cử vào tháng 4 năm nay trong bối cảnh có nhiều đồn đoán và lo ngại về tuổi tác của ông.

Tổng thống Mỹ Joe Biden, 81 tuổi và đối thủ Donald Trump, 78 tuổi, lần lượt là hai người lớn tuổi nhất được bầu làm tổng thống.

Trong một diễn biến khác, tờ New York Times trích dẫn các nguồn tin cho biết ngay trước Đại hội toàn quốc của đảng Cộng hòa, đội ngũ tranh cử của ông Trump đã chuẩn bị một loạt video công kích bà Harris để chiếu cho các đại biểu tại sự kiện và trên truyền hình. Tuy nhiên, sau vụ ám sát hụt ông Trump, họ đã quyết định từ bỏ ý tưởng này.

Ngoài ra, Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa đang theo dõi chặt chẽ việc tài trợ cho chiến dịch tranh cử của ông Biden và sẽ sẵn sàng đệ đơn kiện nếu bà Harris sử dụng bất hợp pháp nguồn tài trợ này theo bất kỳ cách nào.

Trước đó, hôm 19/7, kênh CNN cho biết một số quan chức Nhà Trắng và các thành viên trong chiến dịch tranh cử của ông Biden đã nói chuyện riêng rằng vị tổng thống 81 tuổi này nên rút lui khỏi cuộc đua.

Các cuộc thăm dò nội bộ cho thấy lựa chọn Phó Tổng thống Harris ít nhất sẽ hữu ích hơn trong việc thúc đẩy tinh thần của phe Dân chủ và một cuộc chạy đua đang vào giai đoạn cuối. Đã xuất hiện những lập luận cho rằng bà Harris sẽ là người nhanh nhất để thực hiện một chiến dịch tranh cử đang ngày càng khó khăn hơn trước đảng Cộng hòa. Và những giấc mơ về việc bà sẽ tiến hành một chiến dịch tích cực và mạnh mẽ hơn chống lại đối thủ Trump đang bén rễ.

Quy trình lựa chọn ứng viên mới của đảng Dân chủ sẽ diễn ra như thế nào?

Ông Joe Biden (phải) và bà Kamala Harris liên danh trong cuộc vận động tranh cử Tổng thống Mỹ 2020 ở Wilmington, Delaware, ngày 12/8/2020. Ảnh: Reuters/TTXVN

Sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden quyết định kết thúc chiến dịch tái tranh cử, đảng Dân chủ sẽ có 2 phương án để tìm ra ứng viên thay thế đại diện đảng Dân chủ tham gia cuộc đối đầu với cựu Tổng thống Donald Trump.

Một là cuộc bỏ phiếu trực tuyến sẽ chọn ra một ứng cử viên mới vào đầu tháng 8 và hai là một đại hội mở. Lần gần đây nhất mà đảng Dân chủ tiến hành một đại hội mở để lựa chọn ứng viên tổng thống thay thế là vào năm 1968.

Một đại hội mở được thực hiện khi không có ứng cử viên nào nổi trội giành được sự ủng hộ của đa số đại biểu. Chính vì vậy, đại hội toàn quốc của Đảng Dân chủ sẽ biến thành một cuộc bầu cử sơ bộ nhỏ trong đó các ứng cử viên cạnh tranh nhau để thuyết phục các đại biểu bỏ phiếu cho họ.

Tuy nhiên, khi chỉ còn chưa đầy 1 tháng nữa là đến đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ dự kiến khai mạc ở Chicago vào ngày 19/8, đảng Dân chủ đang rơi vào thế hỗn loạn.

Một số bang đặt ra thời hạn cuối cùng là tháng 8 để nhận lá phiếu cho cuộc tổng tuyển cử và việc bỏ phiếu sớm bắt đầu ở một số nơi vào tháng 9. Vì vậy, các nhà lãnh đạo đảng có thể sẽ cố gắng tìm ra ứng viên thay thế trước khi Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ diễn ra.

Ai sẽ chọn người được đề cử?

Hơn 4.700 đại biểu đại diện cho cử tri sẽ quyết định người được đảng đề cử, dù đại hội có khai mạc hay không. Thông thường, các đại biểu này sẽ chọn người chiến thắng trong cuộc bầu cử sơ bộ trước đó.

Nhưng hiện tại Tổng thống Biden đã rời khỏi cuộc đua. Tất cả các đại biểu đều là những người tự do và sẽ tự mình chọn một ứng cử viên mà không cần theo đa số ý kiến của cử tri.

Có hai kiểu đại biểu Dân chủ: một là các đại biểu đã cam kết ủng hộ ứng cử viên ở bang mà cử tri đã chọn. Đảng phân bổ các đại biểu đã cam kết đến từng tiểu bang hoặc vùng lãnh thổ, và các quan chức đảng cấp bang sẽ phân chia số đại biểu đó cho các ứng cử viên; hai là các siêu đại biểu - những nhà lãnh đạo cấp cao nhất của đảng. Nhóm này bao gồm các cựu tổng thống và phó tổng thống, các thống đốc đảng Dân chủ, các thành viên Quốc hội và các quan chức của đảng. Họ không phải cam kết với bất kỳ ứng cử viên nào.

Nếu đảng Dân chủ tiếp tục cuộc bỏ phiếu trực tuyến đã được lên kế hoạch từ lâu, đảng có thể chính thức xác định được ứng cử viên trước khi đại hội toàn quốc bắt đầu.

Khi tuyên bố rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng, Tổng thống Biden đã bày tỏ sự ủng hộ của ông dành cho Phó Tổng thống Kamala Harris. Điều này có thể thúc đẩy mạnh mẽ quy mô hướng tới sự đoàn kết. Gần 3.900 đại biểu của ông không bắt buộc phải ủng hộ bà Harris, nhưng họ được chọn vì lòng trung thành với ông và có thể có xu hướng làm theo yêu cầu của ông Biden.

Ngay cả khi một cuộc bỏ phiếu trực tuyến bị hủy bỏ, đảng Dân chủ vẫn có thể đồng thuận đưa bà Harris hoặc một ứng cử viên khác trở thành ứng viên tranh cử chính thức trước đại hội. Trong trường hợp đó, về mặt kỹ thuật, đại hội có thể được coi là mở, nhưng quy trình sẽ không có nhiều kịch tính.

Amy K. Dacey, cựu Giám đốc điều hành của Uỷ ban Quốc gia đảng Dân chủ, cho biết các nhà lãnh đạo đảng Dân chủ sẽ có động lực giải quyết vấn đề nhanh chóng để ứng cử viên mới có thể bắt đầu chiến dịch tranh cử càng sớm càng tốt.

Tuy nhiên, nếu không có sự đồng thuận trước khi các đại biểu đến Chicago, đảng Dân chủ sẽ tổ chức một đại hội công khai và đầy tranh cãi đầu tiên kể từ năm 1968.

Để có tên trong danh sách được đề cử, mỗi ứng viên phải cần ít nhất chữ ký từ 300 đại biểu ủng hộ, và trong số đó không có bang nào có quá 50 đại biểu.

Hiện tại, Phó Tổng thống Harris vẫn là ứng viên sáng giá nhất cho vị trí đại diện tranh cử tổng thống của đảng Dân chủ.

Hàng chục thành viên hiện tại và trước đây của Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ ký thư ủng hộ bà Harris thay thế Tổng thống Joe Biden làm ứng cử viên của đảng.

Bức thư có đoạn: “Chúng tôi tin rằng ứng cử viên Tổng thống mạnh mẽ nhất của chúng tôi, người có thể đưa ra tầm nhìn thống nhất, rõ ràng nhất cho tương lai của Mỹ, là Phó Tổng thống Kamala Harris”.

Bên cạnh việc ca ngợi Tổng thống Biden, bức thư kêu gọi các đại biểu của Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ năm 2024 và tất cả các cử tri trong tháng 11, ủng hộ bà Kamala Harris cho chức vụ Tổng thống Mỹ.

Trong khi đó, một vài ứng viên tổng thống tiềm năng khác của đảng Dân chủ đang “bật” chế độ chờ đợi trong một vài giờ tới để xem diễn biến bầu cử sau quyết định của Tổng thống Biden, cũng như đánh giá mức độ đoàn kết của đảng Dân chủ xung quanh Phó Tổng thống Kamala Harris. Các nguồn tin thân cận với Thượng nghị sĩ Joe Manchin ở bang Tây Virginia, cho biết ông đang cân nhắc việc đăng ký cho vòng tranh cử tổng thống.

Việc đưa bà Harris lên vị trí ứng viên tổng thống được đánh giá sẽ là một khoảnh khắc làm nên lịch sử đối với đảng Dân chủ khi đưa người phụ nữ da màu gốc Nam Á đầu tiên làm ứng cử viên tổng thống. Tuy nhiên, điều này không hề chắc chắn. Các quan chức cấp cao nhất, bao gồm cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi, thích một quy trình mở hơn. Họ tin rằng một cuộc bỏ phiếu sơ bộ nhỏ có thể củng cố niềm tin bất kỳ ứng cử viên đảng Dân chủ nào có thể đối đầu với ứng viên Donald Trump của đảng Cộng hòa.

“Nếu bạn nghĩ rằng có một sự đồng thuận giữa những người muốn Tổng thống Joe Biden từ bỏ với việc họ sẽ ủng hộ Phó Tổng thống Harris, thì bạn đã nhầm”, nghị sĩ Alexandria Ocasio-Cortez chia sẻ trên một bài đăng thảo luận trên mạng xã hội tuần trước.

Rất ít nhà lập pháp đảng Dân chủ vận động ông Biden từ bỏ cuộc đua đề cập đến bà Harris trong các tuyên bố. Một số người cho biết họ ủng hộ một quy trình đề cử mở, ủng hộ một ứng cử viên mới.

Hạ nghị sĩ Zoe Lofgren của bang California, một đồng minh của bà Pelosi, nói trên MSNBC rằng một cuộc bỏ phiếu sơ bộ có tên bà Harris trong đó là hợp lý.

Thượng nghị sĩ đảng Dân chủ Jon Tester của bang Montana và Peter Welch của bang Vermont đều kêu gọi Tổng thống Biden rời khỏi cuộc đua và cho biết họ sẽ ủng hộ quy trình đề cử mở tại đại hội toàn quốc của đảng.

Ngày 21/7, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia đảng Dân chủ Jaime Harrison ra tuyên bố nêu rõ đảng này sẽ thực hiện quy trình “minh bạch và có trật tự” để lựa chọn ra ứng cử viên mới thay thế Tổng thống Joe Biden.

Tuyên bố khẳng định “trong những ngày tới”, đảng Dân chủ “sẽ triển khai quy trình minh bạch và có trật tự… với một ứng cử viên có thể đánh bại ông Donald Trump vào tháng 11”.

Phản ứng của Nga, Ukraine và Israel trước quyết định kết thúc tranh cử của ông Biden

Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh: X

Động thái tuyên bố rút lui của Tổng thống Mỹ Jode Biden khiến cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm nay rơi vào tình huống khó đoán định.

Phản ứng trước quyết định bất ngờ của Tổng thống Biden, lãnh đạo nhiều nước đã bày tỏ sự tôn trọng cho quyết định của ông.

Trong tuyên bố cùng ngày, Thủ tướng Anh Keir Starmer bày tỏ mong muốn tiếp tục phối hợp với nhà lãnh đạo Mỹ “trong khoảng thời gian còn lại của nhiệm kỳ tổng thống”, đồng thời nhấn mạnh: “Theo tôi, …Tổng thống Biden đã đưa ra quyết định dựa trên những gì mà ông ấy tin tưởng sẽ phục vụ cho lợi ích cao nhất của nhân dân Mỹ”.

Trong khi đó, Điện Kremlin cho biết đang theo dõi các diễn biến sau khi Tổng thống Biden tuyên bố rút khỏi cuộc đua, đồng thời nhận định “rất nhiều thứ có thể thay đổi” trong giai đoạn hiện nay.

Chia sẻ với báo giới, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: “Cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vẫn còn 4 tháng ở phía trước. Đó là một chặng đường dài, trong đó, rất nhiều thứ có thể thay đổi. Chúng tôi cần chú ý, theo dõi những gì sẽ diễn ra và ảnh hưởng tới công việc của chúng tôi”.

Về phần mình, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cảm ơn Tổng thống Biden vì “sự ủng hộ không ngừng nghỉ” trong cuộc chiến của đất nước ông. “Nhiều quyết định mạnh mẽ đã được đưa ra trong những năm gần đây và chúng sẽ được ghi nhớ như những bước đi táo bạo của Tổng thống Biden để đối phó với thời điểm đầy thử thách. Chúng tôi sẽ luôn biết ơn sự lãnh đạo của Tổng thống Biden”, Tổng thống Zelensky chia sẻ trên mạng xã hội X.

Thủ tướng Australia Anthony Albanese cho biết trong một bài đăng trên mạng xã hội rằng “Liên minh Australia-Mỹ chưa bao giờ mạnh mẽ hơn với cam kết chung của chúng ta về các giá trị dân chủ, an ninh quốc tế, thịnh vượng kinh tế và hành động vì khí hậu cho thế hệ này và các thế hệ tương lai”.

Tại Trung Đông, Tổng thống Israel Isaac Herzog cảm ơn người đồng cấp Biden vì “tình bạn và sự ủng hộ kiên định đối với người dân Israel”. Nhà lãnh đạo miêu tả ông Biden là “đồng minh thực sự của người Do Thái” trong một bài đăng trên mạng xã hội X. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Israel Yoav Gallant cảm ơn Tổng thống Biden vì sự hỗ trợ của ông và cho biết sự ủng hộ kiên định của ông, đặc biệt là trong chiến tranh, là “vô giá”.

Thủ tướng Ba Lan Donald Tusk và Thủ tướng Canada Justin Trudeau cũng bày tỏ sự cảm ơn tới Tổng thống Biden đã đưa ra những quyết định khó khăn. “Nhờ đó Ba Lan, Mỹ và thế giới được an toàn hơn, và nền dân chủ mạnh mẽ hơn”, Thủ tướng Tusk viết.

Cảm xúc trái ngược của cử tri Mỹ khi Tổng thống Biden dừng tranh cử

Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở Raleigh, thủ phủ Bắc Carolina, ngày 28/6/2024. Ảnh: AA/TTXVN

Quyết định bất ngờ của Tổng thống Mỹ Joe Biden trong ngày 21/7 về việc dừng tái tranh cử đã thu hút làn sóng phản ứng trái chiều từ cử tri Mỹ.

Theo hãng tin AFP, trong khi một số người bày tỏ nỗi buồn sâu sắc khi cho rằng Tổng thống Biden (81 tuổi) đã có một nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên mang lại hiệu quả lớn và bị buộc phải từ bỏ cuộc đua, thì những người khác lại cho rằng quyết định này lại là một sự buông bỏ nhẹ nhõm vì ngày càng có nhiều lời kêu gọi yêu cầu ông rút lui và những dấu hiệu tuổi tác thể hiện rõ ràng trong các sự kiện gần đây.

“Một nhà lãnh đạo của thế giới tự do cần phải nhạy bén, và cần phải thực sự vào cuộc... Ông ấy là một người tốt bụng, ông ấy quan tâm đến đất nước của chúng ta… ông ấy đã phục vụ đất nước chúng ta trong một thời gian dài. Thật đáng buồn”, nhà sử gia nghiệp dư về tổng thống Thomas Watson, 67 tuổi, chia sẻ cảm xúc.

Trong khi đó, theo ông Kevin Beard, một người Mỹ gốc Phi 50 tuổi hiện đang làm giám đốc công nghệ thông tin ở Brooklyn, New York, Tổng thống Biden không nên bỏ cuộc vì “ông ấy là người phù hợp để đánh bại đối thủ Donald Trump”.

“Quyết định này cũng không quá gây ngạc nhiên. Tôi nghĩ sức khoẻ về tinh thần của ông ấy đang sa sút”, Thomas Watson (67 tuổi), một nhà sử học nghiệp dư về tổng thống tại Bảo tàng Tổng thống Gerald R. Ford, bày tỏ.

Bà Barb Katz (59 tuổi) – một giáo viên đã nghỉ hưu – thì bày tỏ hy vọng quyết định cuối cùng đã được đưa ra sau nhiều tuần thông tin đồn đoán và bây giờ đảng Dân chủ có thể tập trung lại tìm ra giải pháp đối phó với đảng Cộng hoà.

Một số cử tri cũng tỏ ra khá hoang mang trước ứng viên tiềm năng thay thế ông Biden ra tranh cử, Phó Tổng thống Kamala Harris – người được đích thân Tổng thống Biden lên tiếng ủng hộ.

“Điều khiến tôi lo lắng là tôi không biết đất nước này đã sẵn sàng bầu chọn một phụ nữ da màu hay chưa. Nhưng tôi nghĩ chúng ta phải chuẩn bị sẵn sàng, nhanh chóng.”, bà Mary Biggs, một nhà giáo dục 58 tuổi, ở New York, nói.

Jill Lake, một cử tri đảng Dân chủ sinh sống tại Maryland, thì cho rằng những gì mà các nhà lãnh đảng làm đến nay, đưa bà Kamala lên vị trí dẫn đầu đều có lý do và điều đó thể hiện sự đoàn kết của đảng trong bối cảnh rối ren như này.

Rạng sáng 22/7 theo giờ Hà Nội, Tổng thống Joe Biden đã bất ngờ tuyên bố rút lui khỏi chiến dịch tái tranh cử Tổng thống năm 2024, đồng thời ủng hộ Phó Tổng thống Kamala Harris thay ông gánh vác trọng trách làm ứng cử viên của đảng Dân chủ ra đối đầu với ứng cử viên của đảng Cộng hòa - cựu Tổng thống Donald Trump.

Cùng ngày, những nhân vật hàng đầu của đảng Dân chủ đã nhanh chóng đưa ra lời ca ngợi đối với những thành tựu của Tổng thống Joe Biden sau khi ông đưa ra quyết định nêu trên.

Nhiều thành viên của đảng Dân chủ tán thành quyết định của ông Biden “trao ngọn đuốc” cho Phó Tổng thống Kamala Harris.

Trong tuyên bố chung, cựu Tổng thống Bill Clinton và cựu Ngoại trưởng Hillary Clinton bày tỏ “hòa cùng hàng triệu người Mỹ cảm ơn Tổng thống Biden vì tất cả những thành quả mà ông đã đạt được”.

Tổng thống Barack Obama, vốn lựa chọn ông Biden (khi đó là Thượng nghị sĩ) làm đối tác tranh cử năm 2008, ca ngợi vị Tổng thống đương nhiệm là một “người vô cùng yêu nước”, song cảnh báo về “tình hình khó khăn trong những ngày tới”.

Trong khi đó, cựu Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi đánh giá ông Joe Biden là “một trong những vị Tổng thống có ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong lịch sử nước Mỹ”.

Tin cùng chuyên mục

Tin mới nhất

Lễ ký kết phối hợp giữa Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Hội Cựu CAND Việt Nam giai đoạn 2024 -2029

Lễ ký kết phối hợp giữa Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Hội Cựu CAND Việt Nam giai đoạn 2024 -2029

Chính trị 16/09/2024

(ANTV) - Sáng nay 16/9 tại Hà Nội , đã diễn ra lễ ký kết chương trình phối hợp hoạt động giai đoạn 2024 – 2029 giữa Hội Cựu Chiến Binh Việt Nam và Hội Cựu CAND Việt Nam. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để hai hội phối hợp hoạt động đạt hiệu quả cao. Tham dự lễ ký kết có Thượng tướng Bế Xuân Trường, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Việt Nam và Thượng tướng Lê Quý Vương, Chủ tịch Hội Cựu CAND Việt Nam.

Chung tay giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ

Chung tay giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại do bão lũ

Xã hội 16/09/2024

(ANTV) - Chung tay giúp đỡ đồng bào bị thiệt hại nặng nề do cơn bão số 3 và hoàn lưu bão gây ra. Sáng nay, Cục An ninh nội địa, Bộ Công an tổ chức quyên góp ủng hộ người dân các địa phương và tri ân, hỗ trợ cán bộ chiến sĩ công an đã anh dũng hy sinh, bị thương khi làm nhiệm vụ phòng chống bão.

Tìm kiếm nạn nhân trong vụ sập cầu Phong Châu

Tìm kiếm nạn nhân trong vụ sập cầu Phong Châu

Xã hội 16/09/2024

(ANTV) - Khoảng 11h, ngày 16/9, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn cứu hộ nạn nhân vụ sập cầu Phong Châu, lực lượng cứu nạn cứu hộ Công an tỉnh Phú Thọ phát hiện 01 thi thể là nam giới trên sông Hồng, thuộc địa phận khu 10, xã Bản Nguyên, huyện Lâm Thao.

Tổng thống Mỹ lên án vụ nổ súng nhằm vào ông Trump

Tổng thống Mỹ lên án vụ nổ súng nhằm vào ông Trump

Thế giới 16/09/2024

(ANTV) - Ngay sau khi ông Donald Trump được cho là bị ám sát hụt lần hai trong vòng 2 tháng, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã lên án mọi hành vi bạo lực chính trị ở Mỹ, đồng thời chỉ đạo Cơ quan Mật vụ Mỹ huy động “mọi nguồn lực” để bảo vệ ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng hòa.

Lan tỏa yêu thương cùng em tới trường

Lan tỏa yêu thương cùng em tới trường

Xã hội 16/09/2024

(ANTV) - Để khích lệ, tạo điều kiện tốt hơn cho các em học sinh hiếu học, có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn TP.HCM bước vào năm học mới 2024 – 2025, Cục ngoại tuyến phối hợp với Phòng Ngoại tuyến Công an TP.HCM đã tổ chức chương trình “Đồng hành cùng em đến trường”, giúp các em học sinh thêm tin yêu cuộc sống, học tập, xây đắp tương lai.

Xem thêm