(ANTV) - Với thông điệp “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người – cho tất cả mọi người”, trong nhiệm kỳ làm thành viên Hội đồng Nhân quyền ba năm sắp tới, Việt Nam sẽ có những đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới – là một trong ba nhiệm vụ trụ cột của Liên Hợp Quốc.
Từ những bài học kinh nghiệm đã có khi Việt Nam đảm nhiệm thành công vai trò thành viên Hội đồng nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016, và đến nay, lần thứ 2 – Việt Nam trúng cử, tiếp tục trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm vào các hoạt động của hội đồng nhân quyền LHQ. Điều này mang lại ý nghĩa như thế nào?
Những định hướng, ưu tiên của Việt Nam ra sao khi trở thành thành viên của tổ chức nhân quyền lớn nhất LHQ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã có những chia sẻ với ANTV về nội dung này:
Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
Đêm 11/10 theo giờ Hà Nội, trong phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York Mỹ. Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023 - 2025 với số phiếu là 145/189. Sự tín nhiệm, tin tưởng của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam qua lá phiếu bầu hôm nay là minh chứng xác đáng cho những thành tựu và nỗ lực không ngừng của Việt Nam nhằm đóng góp cho một thế giới hòa bình và một cuộc sống tốt đẹp hơn cho mỗi người dân trên toàn cầu.
Các thành viên Liên hợp quốc tham gia ứng cử được chia thành 5 khu vực địa lý, trong đó, nhóm châu Á - Thái Bình Dương là khu vực có sự cạnh tranh cao nhất cho vị trí thành viên Hội đồng Nhân quyền nhiệm kỳ này với 7 nước giới thiệu ứng cử từ giữa năm 2020.
Việt Nam được các thành viên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) nhất trí ủng hộ là ứng cử viên duy nhất của ASEAN cho vị trí này; đồng thời cũng là ứng cử viên châu Á duy nhất của Cộng đồng Pháp ngữ.
Kết quả bầu cử đã cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền LHQ, những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao.
Với trọng trách mới tại Hội đồng Nhân quyền LHQ, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp vào thúc đẩy tất cả các quyền con người trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại.
Việt Nam sẽ có tiếng nói mạnh mẽ hơn đối với các vấn đề trọng tâm của Liên Hợp Quốc cũng như của cộng đồng quốc tế, như thực hiện Chương trình Nghị sự 2030 về phát triển bền vững, ứng phó với biến đổi khí hậu, di cư, bảo vệ và thúc đẩy quyền của phụ nữ, trẻ em, người khuyết tật, người thiểu số, người di cư, đặc biệt trong các cuộc khủng hoảng nhân đạo hoặc xung đột vũ trang trên phạm vi toàn thế giới.
14 thành viên mới Hội đồng Nhân quyền sẽ đảm nhiệm trọng trách trong nhiệm kỳ 3 năm, bắt đầu vào tháng 1/2023. Với thông điệp “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người cho tất cả mọi người”, trong nhiệm kỳ làm thành viên Hội đồng Nhân quyền 3 năm sắp tới, Việt Nam sẽ đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới cũng là một trong 3 nhiệm vụ trụ cột của Liên Hợp Quốc.