(ANTV) - Gần 20 năm tham gia hoạt động phong trào cách mạng, hy sinh oanh liệt trước mũi súng quân thù khi mới 35 tuổi, đồng chí Hoàng Văn Thụ là lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng và cách mạng Việt Nam, người học trò ưu tú của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Lạng Sơn. Ông đã chiến đấu tới hơi thở cuối cùng vì lý tưởng cộng sản, vì độc lập dân tộc và hạnh phúc của nhân dân.
Hoàng Văn Thụ sinh ngày 4/11/1909 trong một gia đình nông dân dân tộc Tày có truyền thống yêu nước và hiếu học tại tỉnh Lạng Sơn. Căm phẫn chế độ áp bức của thực dân và phong kiến, 19 tuổi, Hoàng Văn Thụ đã nghĩ tới việc thành lập Nhóm học sinh yêu nước, trăn trở về những hoạt động đấu tranh đòi thả cụ Phan Bội Châu, để tang cụ Phan Châu Trinh...
Bà Nguyễn Bích Hợp, cháu đồng chí Hoàng Văn Thụ chia sẻ: Gia đình cũng hướng cho Bác đi làm ở xếp ga rồi làm các công việc khác trong thời gian đấy nhưng Bác không chịu đi. Bác nói với bố mẹ là đi học nhưng thực chất là đi hoạt động cách mạng đi theo con đường cứu nước cứu dân.
Tháng 2/1930, Đảng Cộng sản Việt Nam thành lập, đồng chí Hoàng Văn Thụ chính thức trở thành một trong những đảng viên lớp đầu tiên của Đảng. Sau khi trở thành đảng viên, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã không quản khó khăn, gian khổ, tích cực tuyên truyền vận động xây dựng tổ chức cơ sở cách mạng của Đảng.
Ông Hoàng Văn Páo, nguyên PGĐ Sở Văn hóa tỉnh Lạng Sơn cho biết: Bằng ý chí, bằng quyết tâm Ông đã lăn lộn vào các phong trào công nhân tại Bắc Ninh, Cao Bằng, Hải Phòng, Lạng Sơn, Hà Nội… Ông là người có công lớn trong việc xây dựng các phong trào cách mạng tại khu vực miền núi trung du phía Bắc. Từ cái nội lực bản thân từ cái ý chí, gian khổ cách mạng hoạt động bí mật nhưng đồng chí đã vượt lên.
Tháng 9/1940, khi phát xít Nhật chiếm Việt Nam, nhân dân Việt Nam cùng một lúc chịu cảnh một cổ hai tròng, đồng chí Hoàng Văn Thụ và các chiến sỹ cách mạng tiến hành đẩy mạnh phong trào chống phát xít Nhật - thực dân Pháp, đồng thời chỉ đạo công tác vận động tập hợp lực lượng cách mạng, tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền. Với bí danh là "Giáo", đồng chí Hoàng Văn Thụ đã tới các cơ sở quần chúng trong các thành phố, vận động, tuyên truyền, giác ngộ anh chị em công nhân, binh lính yêu nước, từng bước xây dựng các cơ sở cách mạng ở nhiều nơi.
Ông Hoàng Văn Páo, Nguyên PGĐ Sở Văn hóa tỉnh Lạng Sơn nói: Để truyền tải ý chí cách mạng đồng chí đã sử dụng thơ văn nó có tác dụng to lớn … Đồng chí có rất nhiều bài thơ thể hiện ý chí kiên cường cách mạng. Đặc biệt đồng chí đã có câu nói bất hủ Ngọc nát còn hơn giữ ngói lành là ý chí rất kiên cường đó là những câu chuyện không thể kể hết được.
Biết Hoàng Văn Thụ là một cán bộ cao cấp của Đảng Cộng sản Đông Dương, mật thám Pháp đã dùng mọi thủ đoạn dụ dỗ, mua chuộc, tra tấn cực hình nhưng tất cả đều không khuất phục nổi ý chí đồng chí Hoàng Văn Thụ. Trong nhà lao thực dân Pháp, ông truyền thụ nhiều lý luận cách mạng và nêu cao tinh thần bất khuất cho các đồng đội trong ngục. Khi bị kết án tử hình, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã hướng về phía các đồng chí mình dự phiên tòa nói to: "Tuy tôi không còn được cùng các đồng chí tiến hành hoàn thành công cuộc cách mạng của Đảng, nhưng tôi vẫn có thể chết với một tâm hồn nhẹ nhàng của người đã làm tròn nhiệm vụ. Phải vì cách mạng mà chết thì tôi cũng rất vui lòng".
Sáng 24/5/1944, thực dân Pháp mang Hoàng Văn Thụ ra xử bắn. Khi giám thị hỏi có cần bịt mắt hay không, đồng chí ung dung trả lời không cần. Hình ảnh hiên ngang, bất khuất của đồng chí Hoàng Văn Thụ trước pháp trường làm cho kẻ thù khiếp sợ, là bản hùng ca về bản lĩnh, khí tiết và ý chí của người chiến sỹ cộng sản kiên trung, bất khuất.
Hội thảo “Đồng chí Hoàng Văn Thụ - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng".
Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Hoàng Văn Thụ (04/11/1909 – 04/11/2019), tại thành phố Lạng Sơn, tỉnh Lạng Sơn, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh đã tổ chức chương trình hội thảo khoa học “Đồng chí Hoàng Văn Thụ - Nhà lãnh đạo tiền bối tiêu biểu của Đảng, người con ưu tú của Quê hương Lạng Sơn”. Chủ trì Hội thảo có đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Bí thư Trung ương Đảng, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương; bà Lâm Thị Phương Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn; ông Lê Mạnh Hùng, Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương.
Tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã tập trung thảo luận, làm sáng rõ thêm về cuộc đời, sự nghiệp hoạt động, cống hiến to lớn của đồng chí Hoàng Văn Thụ trong việc chỉ đạo xây dựng phong trào cách mạng các tỉnh miền núi phía Bắc và các địa phương ở Bắc Kỳ; Tấm gương đạo đức cao đẹp, trọn đời hy sinh vì nước, vì dân, nhà lãnh đạo tài năng của Đảng và cách mạng Việt Nam; đồng chí Hoàng Văn Thụ - Người con ưu tú của quê hương Lạng Sơn.
Nhiều tham luận đã tái hiện và làm sâu sắc những cống hiến của đồng chí Hoàng Văn Thụ ở nhiều cương vị khác nhau; cùng với đó đã làm sáng rõ cách tổ chức hoạt động cách mạng của đồng chí Hoàng Văn Thụ là bám sát nhân dân, cách thức tập hợp lực lượng phong phú và đa dạng trong từng thời kỳ và giai đoạn; những đóng góp của đồng chí Hoàng Văn Thụ ở từng sự kiện quan trọng của cách mạng. Qua đó, khẳng định gần trong suốt thời gian hoạt động cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ đã thể hiện tài năng, trí tuệ uy tín của nhà hoạt động cách mạng, có trách nhiệm cao trước Đảng và nhân dân, là tấm gương cách mạng kiên cường và là học trò xuất sắc của chủ tịch Hồ Chí Minh.