(ANTV) - Năm 2022 có rất nhiều diễn biến quốc tế phức tạp, ảnh hưởng trực tiếp đến Việt Nam. Trong bức tranh toàn cảnh với những gam màu sáng tối đan xen, Việt Nam vẫn vững vàng và khẳng định được vị thế của mình trên trường quốc tế, với nhiều điểm nhấn đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao. Chương trình điểm báo xuân của Truyền hình CAND chúng tôi ngày hôm nay sẽ đề cập đến những thành công trong lĩnh vực này của Việt Nam.
Báo Lao động: “Ngoại giao Việt Nam 2022: Nâng cao vị thế, tiềm lực quốc gia”
“Ngoại giao Việt Nam 2022: Nâng cao vị thế, tiềm lực quốc gia” là tiêu đề bài viết trên Báo Lao động số Xuân Quý Mão. Bài viết khẳng định, năm 2022, ngoại giao Việt Nam để lại dấu ấn đậm nét với những hoạt động ngoại giao sôi động và hiệu quả. Nhiệm vụ trọng tâm trong các chuyến công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội trong năm qua là đẩy mạnh ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển đất nước và tiếp tục củng cố, thúc đẩy quan hệ với các nước, nhất là các nước láng giềng, nước lớn và các đối tác quan trọng. Trong năm 2022, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng chủ động, tích cực thúc đẩy đối thoại đa phương, góp phần bảo đảm lợi ích của đất nước và đóng góp vào giải quyết các vấn đề hòa bình, an ninh, phát triển trên thế giới. Qua đó góp phần quảng bá mạnh mẽ ra quốc tế hình ảnh sinh động về một nước Việt Nam độc lập, tự chủ, đổi mới, năng động, sáng tạo, giàu bản sắc và truyền thống, là người bạn thủy chung, là đối tác tin cậy.
Tháng 10/2022, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ khóa 77. Sự kiện này đã khẳng định sự tín nhiệm của quốc tế đối với Việt Nam trong lĩnh vực nhân quyền.
Báo CAND: Khẳng định sự tín nhiệm trong lĩnh vực nhân quyền
Theo báo Công an nhân dân, mỗi lá phiếu bầu chọn Việt Nam là minh chứng rõ ràng nhất và là sự khẳng định các quốc gia trên thế giới công nhận, tin tưởng vào các nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, trên các lĩnh vực đời sống xã hội một cách trách nhiệm, tích cực. Mỗi là phiếu cũng đã nói lên Chính phủ Việt Nam đã cam kết thực hiện đúng, có hiệu quả các công ước Quốc tế có liên quan quyền con người mà Việt Nam đã tham gia ký kết hoặc phê chuẩn. Với thông điệp “Tôn trọng và hiểu biết. Đối thoại và hợp tác. Tất cả các quyền con người – cho tất cả mọi người”, trong nhiệm kỳ làm thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc 3 năm tới, Việt Nam sẽ có những đóng góp trực tiếp vào công tác bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trên toàn thế giới – một trong ba nhiệm vụ trụ cột của Liên hợp quốc.
Trao đổi với Báo Giao thông số Tết, PGS.TS Phạm Minh Sơn, Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, những dấu ấn với nhiều điểm sáng của ngoại giao Việt Nam trong năm 2022 có được là nhờ có sự uyển chuyển, linh hoạt, vận dụng tốt trường phái “ngoại giao cây tre”.
Báo Giao thông: Dấu ấn “ngoại giao cây tre” nâng tầm Việt Nam
Theo đó, Việt Nam đã kiên trì, nhất quán thực thi đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại, phản ứng hết sức mềm dẻo trước những vấn đề phức tạp, đảm bảo phù hợp với lợi ích quốc gia và luật pháp quốc tế. Đồng thời chủ trương quan hệ hữu nghị với tất cả các nước trên cơ sở tôn trọng lợi ích của nhau, bình đẳng, cùng có lợi. Ứng xử của Việt Nam từ lời nói đến hành động, trên các diễn đàn song phương và đa phương đều luôn thống nhất và nhất quán vì mục tiêu hòa bình, hợp tác và phát triển. Đó là cách ngoại giao mềm dẻo trước những lựa chọn khó khăn, nhưng cũng không kém phần cứng rắn, đúng pháp luật và nguyên tắc khi cần thiết trong bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc.
Trong thời gian tới, tình hình chính trị, kinh tế thế giới nói chung và quá trình hội nhập toàn cầu nói riêng đang đối diện với nhiều biến động sâu rộng. Thực trạng ấy đòi hỏi chính sách ngoại giao của Việt Nam phải có cách tiệp cận mới để giữ vững vị thế và tầm tóc đã tạo dựng được. Nội dung này được Báo Nhân dân đề cập trong bài viết “Trông ở thực lực”.
Báo Nhân dân: “Trông ở thực lực”
Trước những căng thẳng, rối ren trên thế giới, Việt Nam luôn giương cao ngọn cờ hòa bình và hợp tác vì phát triển, bảo vệ lẽ phải của thời đại là độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền tự quyết và nguyên tắc không can thiệp nội bộ của các quốc gia khác. Yêu cầu phòng ngừa từ sớm, từ xa những mối đe dọa tiềm ẩn trở nên cấp bách. Hơn lúc nào hết lời dạy của Bác Hồ “lấy sức ta giải phóng cho ta”, “trông vào thực lực” cần biến thành chính sách và hành động cụ thể, nhất là phải được tiến hành rốt ráo. Điều đó hoàn toàn không đồng nghĩa với chủ trương đóng cửa và rời bỏ chủ trương hội nhập quốc tế. Vấn đề chỉ là căn chỉnh phương thức hành xử sao cho ăn khớp với cục diện đã thay đổi mạnh mẽ để giữ vững lợi ích Quốc gia- dân tộc, xác lập vị thế thích hợp trong quan hệ quốc tế nói chung và trong chuỗi sản xuất nói riêng, tranh thủ tối đa thuận lợi phục vụ công cuộc hiện đại hóa đất nước.
Thay cho lời kết, xin được trích lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để nói về đường lối ngoại giao của Việt Nam: “Chúng ta đã xây dựng nên một trường phái đối ngoại và ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của Thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam”. Tin tưởng rằng, trong năm 2023, công tác đối ngoại sẽ tiếp tục có những bước phát triển mới, góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.