(ANTV) - Thị trường bánh kẹo Việt Nam đang chứng kiến một cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nước với các thương hiệu nước ngoài. Sự xuất hiện ồ ạt của các sản phẩm bánh kẹo nước ngoài trên thị trường đã lấn át sản phẩm trong nước cùng loại. Từ sức ép cạnh tranh này, đòi hỏi các doanh nghiệp bánh kẹo trong nước phải đổi mới, tìm hướng đi mới để giành lại thị phần.
Báo cáo từ Bộ Công thương cho thấy, mức tăng trưởng doanh thu của nhóm mặt hàng bánh kẹo vào khoảng 15%/năm, với doanh số toàn thị trường ước khoảng 51 nghìn tỷ đồng. Trong khi sản phẩm bánh kẹo từ các nước ASEAN (Indonesia, Thái Lan, Malaysia) được giảm thuế nhập khẩu về 0% không ngừng tăng số lượng vào Việt Nam thì sản phẩm trong nước vẫn đang làm chủ thị trường, với trên 90% thị phần bánh kẹo.
Theo một đơn vị đã có 18 năm trong lĩnh vực sản xuất và phân phối bánh kẹo tại Việt Nam, hiện nay, mẫu mã sang trọng, mới lạ không còn là sự “độc quyền” của hàng ngoại. Nhiều doanh nghiệp bánh kẹo trong nước đã mạnh dạn đầu tư, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường ở tất cả các phân khúc từ bình dân đến cao cấp.
Tận dụng nguồn cung cấp nguyên liệu dồi dào và chất lượng trong nước, lợi thế về nhà máy sản xuất bánh kẹo quy mô lớn, máy móc công nghệ hiện đại – tiên tiến, dây chuyền khép kín, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, doanh nghiệp này đã tạo ra những sản phẩm thuần Việt của người Việt. Để tăng trưởng tốt hơn, các doanh nghiệp không có cách nào khác là phải liên tục sáng tạo thêm sản phẩm mới và khai thác thị trường mới.
Tết Nguyên đán được xem là thời điểm tiêu thụ bánh kẹo tốt nhất trong năm. Đây cũng là lúc diễn ra cuộc cạnh tranh sôi động trên thị trường của các doanh nghiệp bánh kẹo trong và ngoài nước. Đối phó với những thay đổi trong hành vi mua sắm tiêu dùng của khách hàng cùng làn sóng hàng ngoại nhập giá rẻ tràn vào. Các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo trong nước đang có những chiến lược phù hợp hơn để bắt sóng được thị hiếu ngày càng thay đổi của người tiêu dùng Việt.