(ANTV) - Tại Đồng bằng sông Cửu Long hiện nay, việc sử dụng đất nông nghiệp bền vững đóng vai trò vô cùng quan trọng, đặc biệt đối với đất lúa, đất trồng cây ăn trái và đất nuôi trồng thủy sản. Theo nhiều nhà khoa học, tài nguyên đất ở Đồng bằng sông Cửu Long đang đứng trước nguy cơ suy thoái, do sử dụng thiếu khoa học và chịu tác động của các yếu tố tự nhiên.
Tài nguyên đất của vùng là có hạn. Sử dụng tài nguyên đất bền vững cũng đồng nghĩa với phát triển bền vững ĐBSCL, biến vùng này thành vùng kinh tế phát triển trù phú của đất nước. Những nguy cơ hiện hữu trên cần được nghiên cứu, cảnh báo và có giải pháp ngăn chặn.
Cuối năm 2018, tại huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp, bệnh vàng lá thối rễ tấn công cây trồng trên diện rộng, khiến hàng ngàn ha quýt hồng đặc sản có nguy cơ phải chặt bỏ. Người nông dân chưa bao giờ phải đối mặt với tình trạng khốn khó đến như vậy. Cây quýt hồng từ chỗ đang là cây chủ lực giúp người nông dân Lai Vung thoát nghèo thì nay lại trở thành gánh nặng về kinh tế.
Cùng gặp phải vấn đề đất bạc màu, suy kiệt nguồn dinh dưỡng do mất cân bằng hữu cơ cùng các đặc tính lý hóa, hàng loạt vùng trồng cây ăn trái tại đồng bằng sông Cửu Long như Tiền Giang, Hậu Giang, Bến Tre, An Giang, Cần Thơ đứng trước nguy cơ phá bỏ các cây đặc sản đã làm nên tên tuổi của những vùng đất này như Mãng Cầu Xiêm, Vú Sữa Lò Rèn, Cam Sành, Sầu Riêng để chuyển đổi giống cây trồng mới.
Mặc dù vậy người dân, cũng như nhiều cơ quan chức năng về mặt kỹ thuật nông nghiệp đã không thể phát hiện ra nguyên nhân. Hay nói đúng hơn là lúng túng trong việc tìm ra giải pháp xử lý triệt để. Cho đến khi các mô hình hữu cơ đã vực dậy thành công cây quýt hồng, đồng thời qua đó giúp tái khẳng định giá trị, cân bằng các đặc tính lý hóa của đất là vô cùng quan trọng.
Nằm phía cuối hạ nguồn sông Mekong, đồng bằng sông Cửu Long là một trong những điểm nóng trên toàn cầu về biến đổi khí hậu. Nơi đây không chỉ lệ thuộc vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp đặc trưng như trồng lúa, đánh bắt và nuôi trồng thủy sản, mà còn dễ bị tổn thương bởi tác động của tình trạng biến đổi khí hậu. Ngoài các hiện tượng thời tiết cực đoan như hạn hán dài ngày cùng cùng với những vấn đề cấp bách do biến đổi khí hậu như nước biển dâng, tình trạng xâm nhập mặn đang ngày càng nghiêm trọng, thì đồng bằng sông Cửu Long cũng đang phải đối mặt với tình trạng suy kiệt đất nông nghiệp xảy ra trên quy mô lớn.
Với diện tích gần 4 triệu ha, nơi vốn được coi là vựa lúa này có trên 2,4 triệu ha đất canh tác nông nghiệp và gần 700 ngàn ha đất nuôi trồng thủy sản. Trong hơn 1,9 triệu ha đất lúa thì có tới hơn 800.000ha đất phèn, đất mặn gần 330.000ha, đất xám gần 89.000ha, đất cát gần 14.000ha và đất khác 5.600ha còn lại đất phù sa gần 700.000ha.
Điều đó cho thấy, chúng ta đang tư duy và hành động ngược lại so với thực tế, khi cho rằng, đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất phù sa màu mỡ bất tận. Việc đẩy cao cường độ thâm canh, tăng vụ, phát triển hệ thống đê bao nhằm kiểm soát lũ thiếu hợp lý đã làm mất cân bằng chất hữu cơ trong đất. Đồng thời lạm dụng phân bón hóa học cũng như thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình canh tác đã biến đổi khiến đất ngày càng trở nên chai lỳ. Các đặc tính lý, hóa cũng thay đổi, các loài vi sinh vật có lợi dần biến mất khiến cây trồng không hút được dinh dưỡng, đặc biệt dễ tổn thương, làm tăng khả năng nhiễm bệnh.
Đồng bằng sông Cửu Long là nơi cư trú của khoảng 18 triệu dân. Nơi đây được xem là vựa lúa lớn nhất của cả nước, cung cấp 55% sản lượng gạo, trong đó đóng góp 90% lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ra thế giới, hơn 60% lượng thủy sản và hơn 70% lượng trái cây cho cả nước.
Nhưng tất cả những điều đó có thể sẽ biến mất mãi mãi, khi tình trạng biến đổi khí hậu, hạn, mặn, suy kiệt đất nông nghiệp đang diễn ra ngày càng khốc liệt khiến hàng triệu nông dân phải di cư để thích nghi với sự thay đổi không đáng có. Nếu chúng ta phân tích một cách khoa học những gì đang diễn ra, trong đó để cao việc thích ứng với các điều kiện mới, như vậy người nông dân mới có thể bám trụ lại đồng bằng sông Cửu Long không chỉ cho bây giờ mà còn cho cả các thế hệ mai sau./.