(ANTV) - Trong thời điểm cuối năm, khi nhu cầu tuyển dụng lao động thời vụ thường tăng cao, lợi dụng tâm lý tranh thủ kiếm thêm thu nhập dịp tết, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng chiêu trò tuyển dụng “việc nhẹ, lương cao” để dụ nhiều người sập bẫy.
Với mức lương từ 6 đến 36 triệu mỗi tháng cho một công việc hợp pháp, đảm bảo mỗi ngày thu nhập thấp nhất 800.000 đồng. Theo các tin nhắn trên yêu cầu của người tham gia khá đơn giản, chỉ cần đáp ứng trên 23 tuổi, có điện thoại thông minh, nếu muốn tham gia sẽ liên lạc qua tài khoản Zalo. Liệu thực sự tồn tại một công việc “việc nhẹ lương cao” như vậy?
Để tìm hiểu rõ hơn, phóng viên đã thử liên lạc với tài khoản zalo được đối tượng cung cấp trong tin nhắn. Rất nhanh, đối tượng này đã tự nhận là nhân viên của Công ty cổ phần chứng khoán Pinetree và đưa ra những lời chào mời hết sức hấp dẫn.
Cụ thể, khách hàng chỉ cần mua 1 trong 3 gói nhiệm vụ có giá trị và lãi suất khác nhau. Bên cạnh đó, để tăng thêm sự “uy tín”, đối tượng đã khẳng định chắc nịch Pinetree là 1 công ty lớn, chả ai đi lừa đảo người dân với số tiền nhỏ khi mua các gói nhiệm vụ như vậy cả.
Khi tra địa chỉ và số điện thoại mà đối tượng gửi trùng khớp với thông tin trên Website chính thức của công ty, phóng viên đã liên hệ và di chuyển đến số 54A Nguyễn Chí Thanh – trụ sợ của công ty cổ phần chứng khoán Pinetree để làm rõ và xác thực vụ việc này.
Để tránh bị thiệt hại về tài sản, nhà đầu tư cần cẩn trọng và từ chối bất kỳ lời mời, dụ dỗ, lôi kéo, hứa hẹn nào của đối tượng xấu, người dân cần nhận biết được một số phương thức chúng có thể áp dụng, cụ thể như sau:
Bước 1: Các đối tượng gửi SMS, tin nhắn Zalo, gọi điện thoại cho người bị hại về việc mời kiếm thêm thu nhập thụ động, làm thêm online.
Bước 2: Các đối tượng lừa đảo sẽ mạo danh là chuyên gia tư vấn, trưởng nhóm môi giới, chuyên viên hỗ trợ… đưa ra các ưu đãi, gói đầu tư với lãi suất cao, hấp dẫn, có thể từ 30% đến 200% để kêu gọi người bị hại tham gia.
Bước 3: Khi người bị hại đã đồng ý tham gia, các đối tượng lừa đảo sẽ cung cấp số tài khoản cá nhân để người bị hại chuyển khoản. Đồng thời cung cấp một đường link để người bị hại cài ứng dụng.
Bước 4: Sau khi lừa được tiền, app bị sập, các số điện thoại hoặc người hỗ trợ không liên hệ được. Một số trường hợp, kẻ xấu có thể sẽ tiếp tục lừa gạt và hướng dẫn người bị hại đến trụ sở hoặc liên hệ với Công ty bị mạo danh để giải quyết.