Tại cơ quan điều tra, đối tượng Triệu Chòi Phin cho biết khi 1 mình đi làm ruộng nghĩ đên chuyện mâu thuẫn với ông Triệu Dào Sinh (sinh năm 1969) là người cùng thôn về việc Phin có vay tiền của con trai ông Sinh là Triệu Văn Phin nhưng khi đòi tiền thì 2 bên xảy ra mâu thuẫn vì không thống nhất được số tiền đã vay dẫn đến việc anh Triệu Văn Dất là cháu của ông Sinh gọi điện cho vợ của Triệu Chòi Phin chửi và dọa giết cả nhà. Phin tức giận, rồi nảy sinh ý định trả thù nhà ông Sinh bằng cách khi thấy nhà ông Sinh không ai ở nhà, Phin đã lẻn xuống bếp nhà ông Sinh rồi bỏ lá ngón vào thức ăn.
Hành vi của Phin đã khiến 5 người nhà ông Sinh phải đi viện cấp cứu, trong đó có 1 cháu trai 8 tuổi tử vong. Đại úy Vũ Thanh Xuân – Đội trưởng Đội hướng dẫn điều tra tội phạm về trật tự xã hội – Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, kiểm tra kỹ tâm sinh lý của Đối tượng Triệu Chòi Phin và cũng xác định được ở địa phương các hộ dân cung cấp đây là đối tượng có bản tính côn đồ, hay trả thù vặt và có hành vi ứng xử mà nhiều người trong đồng bào đánh giá là người ta sợ.
Để phá được vụ án này, Lực lượng điều tra cũng gặp những khó khăn nhất định bởi vụ việc xảy ra ở vùng sâu, vùng xa, đồng bào chủ yếu là dân tộc thiểu số. Hơn hết vụ án xảy ra không có nhân chứng, dấu vết, gia đình nạn nhân nói không mâu thuẫn, thù oán đã gây khó khăn cho cơ quan Công an trong quá trình truy tìm đối tượng.
Đại úy Vũ Thanh Xuân nhận định, đây là vụ án giết người chứ không phải ngộ độc thông thường bởi đặc biệt vùng miền trên đấy bà con có rất nhiều lá ngón nhưng vấn đề là bà con từ người lớn đến trẻ em đều biết loại cây đấy để tránh, nên loại trừ nguyên nhân hái nhầm về ăn. Còn mâu thuẫn trong nội bộ gia đình thì lại rất đoàn kết. Sau khi nhận định hướng đấu tranh thì anh em đã chia ra, đi từng hộ gia đình từng người dân từ cháu nhỏ đến người lớn rồi người già hỏi từng người một cho nên qua phân tích và được cung cấp thông tin như thế thì anh em cũng đi sâu vào kiểm tra phân tích đối tượng thì xác định đây là đối tượng gây án.
Tình trạng đồng bào tại nhiều vùng sâu vùng xa, thường sử dụng lá ngón để giải quyết mâu thuẫn, khó khăn không còn là mới. Chính vì vậy, việc tuyên truyền, vận động bà con nhân dân thay đổi nhận thức, suy nghĩ cần phải được đẩy mạnh. Bên cạnh đó, các cấp chính quyền địa phương cũng phải gần dân, sát dân, kịp thời hòa giải những mâu thuẫn dù là nhỏ nhất, hạn chế tối đa những vụ án có thể xảy ra.