Thứ Sáu, 26/04/2024 20:32 GMT+7
  • ANTV
  • Hotline: 0692324026
  • Email: news@antv.gov.vn

Nhân Văn - Tin Cậy - Kịp Thời - Hấp dẫn

Sự kiện

Thế giới

10 sự kiện quốc tế nổi bật năm 2022

(ANTV) - Khi mà các nền kinh tế vẫn đang nỗ lực phục hồi từ những ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19, thì cuộc chiến tại Ukraine bùng phát, gây tác động mạnh mẽ và sâu rộng, làm thay đổi cục diện chính trị thế giới, kéo theo nhiều vấn đề về an ninh, kinh tế, nhân đạo. Để có cái nhìn khái quát về bức tranh toàn cảnh thế giới trong năm 2022, mời quý vị cùng chúng tôi điểm lại 10 sự kiện quốc tế nổi bật trong năm qua, do Truyền hình Công an nhân dân (ANTV) bình chọn.

Xung đột Nga – Ukraine gây hệ lụy ở cấp độ toàn cầu

Ngày 24/2, Nga thông báo tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine.

Đến ngày 30/9, Nga chính thức sáp nhập 4 khu vực ly khai ở Ukraine là Donetsk, Lugansk, Kherson và Zaporizhzhia, bất chấp sự phản đối và chỉ trích từ Ukraine, Mỹ, phương Tây, Liên Hợp Quốc và nhiều quốc gia khác.

Sau hơn 10 tháng đối đầu, cuộc chiến vẫn đang ở thế giằng co, các bên liên tục có các hành động nhằm gây tổn thất về khí tài cũng như ngăn chặn tuyến tiếp tế của đối phương.

Đe đọa hạt nhân, tăng cường hỗ trợ vũ khí và gia tăng trừng phạt với những bước đi khó lường và thái độ không lùi bước của các bên như hiện nay, triển vọng đàm phán để chấm dứt xung đột là khá mờ mịt. Sự thiếu lòng tin chiến lược giữa các bên khiến đàm phán không thể tổ chức trong nhiều tháng qua. Nga, Ukraine cũng như các bên liên quan đều đang tính toán lợi ích trong ván bài ngoại giao, chưa chấp nhận nhượng bộ.

Cuộc chiến năng lượng giữa Nga và phương Tây

Song song với chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga tại Ukraine là cuộc chiến trừng phạt giữa Nga và phương Tây, đặc biệt trong lĩnh vực năng lượng.

Các công ty năng lượng hàng đầu thế giới nhanh chóng rút khỏi Nga, từ bỏ số tài sản đầu tư hàng chục tỷ USD. Nga giảm dần nguồn cung khí đốt, dầu mỏ tới "các quốc gia không thân thiện", đồng thời yêu cầu thanh toán các hợp đồng năng lượng bằng đồng ruble.

Nhằm gây áp lực lên Moskva, châu Âu mới đây đã nhất trí áp giá trần đối với dầu mỏ và khí đốt của Nga, ra lệnh cấm nhập khẩu dầu thô của Nga bằng đường biển... Tuy nhiên, điều này cũng buộc các nước phải chạy đua để đảm bảo có đủ nguồn cung năng lượng, giúp người dân vượt qua mùa đông khắc nghiệt.

Trong năm qua, giá khí đốt có thời điểm bị đẩy lên mức cao nhất trong nhiều năm, giá dầu gần chạm ngưỡng 140 USD/ thùng, xấp xỉ mức kỷ lục mọi thời đại, giá điện tăng mạnh. Khủng hoảng năng lượng toàn cầu cho thấy xu thế tất yếu phải nhanh chóng chuyển sang sử dụng nguồn năng lượng xanh và năng lượng tái tạo.

Khủng hoảng lạm phát và giá cả trên toàn cầu

Không chỉ năng lượng, cuộc chiến tại Ukraine đã gây thêm nhiều gián đoạn nghiêm trọng  cho tăng trưởng kinh tế toàn cầu, thổi bùng ngọn lửa lạm phát vốn đã ở mức cao. Nhiều quốc gia phải đối mặt với thiếu hụt lương thực và giá cả hàng hóa tăng mạnh kể từ tháng 3.

Để giải bài toán lạm phát, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã có đến 7 lần tăng lãi suất cơ bản. Anh cũng tăng lãi suất tới 8 lần trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) nâng lãi suất 3 lần liên tiếp với mức tăng 75 điểm cơ bản, lớn nhất từ trước đến nay…

Cuộc xung đột kéo dài ở Ukraine cũng đẩy giá nông sản tăng vọt và đe dọa chuỗi cung ứng nông nghiệp toàn cầu do cả Ukraine và Nga đều là nhà sản xuất lớn. Thỏa thuận xuất khẩu ngũ cốc Biển Đen mà các bên đạt được tháng 7, dù đã được gia hạn, song vẫn chưa giải quyết được triệt để vấn đề.

Áp lực từ lạm phát, cuộc khủng hoảng lương thực, năng lượng do xung đột và lãi suất cao đang đẩy kinh tế thế giới đến bờ vực suy thoái, và có thể còn tiếp diễn trong 2023.

Bức tranh u ám về khủng hoảng di cư

Cũng do tình hình chiến sự ở Ukraine, hàng triệu người dân nước này đã phải rời bỏ đất nước đi tị nạn tại các quốc gia lân cận, góp phần thêm vào bức tranh u ám về khủng hoảng di cư. Trong năm qua, số người nhập cư bất hợp pháp đến châu Âu đã tăng vọt, chủ yếu dọc theo tuyến đường Tây Balkan và Địa Trung Hải.

Tại khu vực biên giới Mỹ-Mexico, liên tiếp xảy ra những thảm kịch hàng chục người di cư được phát hiện tử vong trong xe tải, bởi là nạn nhân của các đường dây buôn người. Các vụ bắt giữ và trao trả người di cư trái phép tiếp tục ở mức cao nhất trong nhiều năm.

Theo Tổ chức Di cư Quốc tế (IOM), kể từ năm 2014 đến nay, hơn 50.000 người di cư trên thế giới đã thiệt mạng trên đường tìm kiếm cuộc sống tốt đẹp hơn. Đây là 1 cột mốc bi thảm, phản ánh thách thức nhân đạo mà chính quyền các nước và cộng đồng quốc tế phải nỗ lực giải quyết trong thời gian tới.

Cạnh tranh địa chính trị giữa các nước lớn

Một sự kiện đáng chú ý trong năm qua là việc Tổng thống Mỹ Joe Biden và Tổng thống Nga Vladimir Putin đều có chuyến công du tới Trung Đông trong gần như cùng một thời điểm. Đây được cho là dấu hiệu phản ánh cuộc đọ sức giữa Washington và Moskva đang càng lúc càng gay gắt, đặc biệt là kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine.

Đối với Mỹ, trong bối cảnh trục liên kết Nga-Iran đang trở nên chặt chẽ hơn, điều cần thiết là phải nhanh chóng củng cố tam giác an ninh Mỹ-Israel-Ả Rập Xê Út. Về phần mình, Nga muốn gửi đi thông điệp rõ ràng rằng Moskva không hề bị cô lập sau khi đưa quân vào Ukraine.

Tại Châu Âu, nhiều quốc gia, trong đó có Gruzia, Ukraine và Moldova đồng loạt gửi đơn xin gia nhập Liên minh châu Âu (EU), khối này cũng nhanh chóng trao tư cách ứng cử viên cho Ukraine và Moldova.

Trong khi đó, Việc nộp đơn xin gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) của Phần Lan và Thụy Điển đã phá vỡ quan điểm trung lập của các nước Bắc Âu, có khả năng làm thay đổi bàn cờ địa chính trị châu Âu trong nhiều thập kỷ tới./.

Gia tăng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên

Năm 2022 là một trong những năm "nóng" nhất trên bán đảo Triều Tiên kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên kết thúc năm 1953.

Ngay từ đầu năm, Bình Nhưỡng đã liên tiếp thực hiện các vụ phóng thử tên lửa, bao gồm cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM). Ngày 8/9, Hội đồng Nhân dân Tối cao CHDCND Triều Tiên chính thức thông qua Luật quy định quyền sử dụng đòn tấn công hạt nhân phủ đầu để tự vệ. Đáp lại, Mỹ - Nhật Bản - Hàn Quốc cũng gia tăng các cuộc tập trận quy mô lớn nhằm đối phó với các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa từ Triều Tiên.

Với các màn thị uy sức mạnh quân sự liên tiếp cùng bế tắc trong đàm phán, có thể nói các bên đang mắc kẹt trong 1 vòng luẩn quẩn mới, có thể làm bùng nổ chiến tranh. Cơ hội tháo gỡ vấn đề chưa phải đã chấm hết, song có lẽ trước tiên, các bên phải cùng kiềm chế để thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin.

Thảm kịch giẫm đạp tại Hàn Quốc và Indonesia

Ngày 29/10, tại khu phố Itaewon ở Seoul (Hàn Quốc) đã xảy ra vụ giẫm đạp kinh hoàng khi hàng chục nghìn người đổ về khu vực này để tham dự lễ hội Halloween, lần đầu tiên kể từ khi các quy định phòng chống COVID-19 nghiêm ngặt được dỡ bỏ. Ít nhất 158 người đã thiệt mạng và gần 200 người khác bị thương.

Trước đó, ngày 1/10, tại sân vận động Kanjuruhan ở Malang (Indonesia), nhiều cổ động viên bóng đá quá khích đã tràn vào sân, buộc cảnh sát phải sử dụng đến đạn hơi cay. Tuy nhiên, điều này khiến đám đông hoảng loạn, giẫm đạp lên nhau để đổ xô về phía lối ra. Hơn 130 người đã thiệt mạng, trong đó có hàng chục trẻ em, cùng hàng trăm người bị thương.

Hai thảm kịch liên tiếp trong vòng một tháng làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về công tác đảm bảo an toàn khi tổ chức các sự kiện tập trung đông người, đặc biệt trong bối cảnh dỡ bỏ các hạn chế sau đại dịch.

Thế giới thích ứng với đại dịch COVID-19

Trong năm qua, hầu hết các quốc gia trên thế giới đã dần thích ứng với trạng thái bình thường mới sau đại dịch COVID-19, khi dỡ bỏ các biện pháp hạn chế, mở cửa biên giới, tích cực thúc đẩy khôi phục và phát triển hoạt động kinh tế-xã hội. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, hiện ít nhất 90% dân số toàn cầu có mức độ miễn dịch nhất định với virus SARS-CoV-2 nhờ tiêm vaccine hoặc đã mắc bệnh.

Tuy nhiên, cùng với sự xuất hiện các dòng phụ của biến thể Omicron, trong đó có "Omicron tàng hình" BA.2, một số nước đang đối diện nguy cơ dịch bùng phát trở lại. Bên cạnh đó là sự lây lan của cúm mùa và virus hợp bào hô hấp (RSV), đặc biệt tại Mỹ và châu Âu. Điều này dự kiến sẽ tác động lớn đến hệ thống dịch vụ y tế và người dân các nước trong mùa Đông này.

2022 – Năm hiểm họa biến đổi khí hậu trỗi dậy

Năm 2022 là năm mà biến đổi khí hậu diễn ra mạnh mẽ và thảm khốc, tác động nghiêm trọng đến tất cả các châu lục. Nắng nóng nghiêm trọng ở Trung Quốc, lũ lụt nhấn chìm 1/3 diện tích Pakistan, hạn hán kỉ lục trong 500 năm hoành hành khắp châu Âu, cháy rừng thường xuyên, bão tuyết thất thường…. Những hình thái thời tiết cực đoan đã tác động không nhỏ đến cuộc sống và sinh hoạt của 7,6 tỷ người, tương đương 96% dân số thế giới.

Với những bằng chứng ngày càng rõ nét hơn về hậu quả khắc nghiệt của biến đổi khí hậu với an ninh và phát triển toàn cầu, năm 2022, thế giới đã tăng cường nỗ lực để tìm ra giải pháp giúp đảo ngược tiến trình này.

Sau các cuộc đàm phán căng thẳng, Hội nghị lần thứ 27 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP27) đã thông qua thỏa thuận về quỹ “tổn thất và thiệt hại” mang tính đột phá về vấn đề gai góc nhất, là bước tiến lịch sử, bước đột phá để đi tới thỏa thuận cuối cùng. Tuy nhiên COP27 đã thất bại trong việc đề ra những tham vọng mới để giảm phát thải gây hiệu ứng nhà kính.

Dân số thế giới vượt mốc 8 tỷ người

Ngày 15/11/2022 đã trở thành cột mốc mới trong hành trình phát triển của nhân loại, khi dân số toàn cầu chính thức vượt mốc 8 tỷ người. Sự tăng trưởng này đánh dấu tiến bộ trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe cộng đồng, minh chứng cho những đột phá về khoa học-công nghệ, y học, chế độ dinh dưỡng, giúp gia tăng tuổi thọ, giảm tỷ lệ tử vong ở bà mẹ và trẻ sơ sinh, tạo nguồn lực to lớn, nguồn cung lao động dồi dào...

Tuy nhiên, đi kèm với tăng dân số là không ít những thách thức toàn cầu, đòi hỏi các giải pháp tầm liên chính phủ. Đó là áp lực đối với hệ thống cơ sở hạ tầng, các phúc lợi và dịch vụ xã hội thiết yếu; tình trạng già hóa dân số, bất bình đẳng xã hội, phân hóa giàu-nghèo gia tăng; an ninh lương thực, nguồn nước, ô nhiễm môi trường, nguy cơ cạn kiệt tài nguyên...

Liên Hợp Quốc khẳng định dân số là chìa khóa để phát triển bền vững. Điều quan trọng là tập trung đầu tư vào con người để có thể vượt qua thách thức, khai thác và phát huy tiềm năng, sức mạnh của 8 tỷ người.

Tin mới nhất

Cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo trên mạng dịp nghĩ lễ

Cảnh báo một số thủ đoạn lừa đảo trên mạng dịp nghĩ lễ

Pháp luật 26/04/2024

(ANTV) - Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cảnh báo người dân các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tiền trên mạng xã hội có thể xảy ra trong dịp lễ 30/4-1/5 và mùa du lịch hè, đồng thời khuyến cáo người dân cần tăng cường cảnh giác trước các lời mời quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội.

Triệt phá đường dây sản xuất, mua bán tiền giả số lượng lớn

Triệt phá đường dây sản xuất, mua bán tiền giả số lượng lớn

Pháp luật 26/04/2024

(ANTV) - Sau thời gian theo dõi các đối tượng có hành vi sử dụng tiền giả có mệnh giá lớn trên địa bàn, Công an tỉnh An Giang đã mở rộng điều tra, bắt giữ nhiều đối tượng liên quan, qua đó đã triệt phá thành công đường dây sản xuất, tàng trữ, vận chuyển và lưu hành tiền giả số lượng lớn.

Tin tức nổi bật 24h qua

Tin tức nổi bật 24h qua

Điểm tin 26/04/2024

(ANTV) - Xảy ra mâu thuẫn với shipper Lâm Anh Đạt, hai vợ chồng Trương Đình Nhạt và Nguyễn Thị Thủy trú xã Nghĩa Lâm, huyện Tư Nghĩa, Quảng Ngãi đã liên tục dùng hung khí hành hung khiến anh Đạt gãy hai tay, tổn hại sức khỏe 24%.

Khởi tố, bắt đối tượng Dương Hồng Hiếu

Khởi tố, bắt đối tượng Dương Hồng Hiếu

Pháp luật 26/04/2024

(ANTV) - Sáng ngày 26/4, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh Kiên Giang đã tống đạt Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam đối tượng Dương Hồng Hiếu, trú thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang về tội danh “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.

Nâng cao năng lực tổ liên gia PCCC

Nâng cao năng lực tổ liên gia PCCC

Xã hội 26/04/2024

(ANTV) - Có thể thấy, sau khi được thành lập, Tổ liên gia PCCC trên địa bàn cả nước đã phát huy tính hiệu quả trong công tác PCCC. Tuy nhiên, để công tác chữa cháy đi vào chiều sâu, tránh hình thức, Công an tất cả quận, huyện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng thường xuyên tổ chức rèn luyện kỹ năng, đa dạng hóa các tình huống chữa cháy thông qua các Hội thi. Mục tiêu hướng đến nhằm lan tỏa, huy động sức mạnh toàn dân tham gia phong trào PCCC.

Thêm nhiều chiêu thức lừa đảo mới trên mạng xã hội

Thêm nhiều chiêu thức lừa đảo mới trên mạng xã hội

Pháp luật 26/04/2024

(ANTV) - Người dùng mạng xã hội thời gian gần đây không còn quá xa lạ với những chiêu thức lừa đảo, chiếm đoạt tài sản. Mặc dù đã được cảnh báo và nâng cao cảnh giác nhưng phương thức, thủ đoạn của các đối tượng sử dụng liên tục biến đổi nên nhiều người vẫn mắc bẫy. Các chiêu thức mới có thể kể ra như: giả danh cán bộ công chức nhà nước, đăng tin tuyển dụng với mức lương cao hay thành lập các tổ chức doanh nghiệp không có thật nhằm huy động vốn, trả lãi suất cao.

Xem thêm