(ANTV) - Nigeria là 1 trong những quốc gia châu Phi có tỷ lệ học sinh không đến trường cao nhất khu vực. Theo Cục Thống kê quốc gia nước này, có khoảng 13 triệu em không đến trường, tập trung cao nhất ở 17 bang, hầu hết là vùng phía Bắc. Nhiều trẻ emtrong độ tuổi từ 5-17 còn phải lao động trong điều kiện nguy hiểm và đối mặt với 1 tương lai mờ mịt. Trong bối cảnh đó, 1 dự án hỗ trợ giáo dục mang tên “Slum2School” (từ khu ổ chuột đến trường) đã được khởi xướng, giúp hàng nghìn trẻ em sống tại các xóm chài ở vùng ven thành phố Lagos, Nigeria, có cơ hội học hành và có 1 cuộc sống tốt đẹp hơn.
Ý tưởng về dự án hỗ trợ giáo dục ra đời khi anh Otto Orondaam chứng kiến những em nhỏ ở các khu ổ chuột và xóm chài vùng ven Lagos phải tạm gác ước mơ đến trường do gia đình quá nghèo. Bước đầu thành lập Slum2School vào năm 2012, anh Orondaam gặp không ít khó khăn vì thiếu kinh phí, không có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục.
Kế hoạch hỗ trợ đầu tiên của Slum2School là đóng học phí vào trường tiểu học và trung học cơ sở cho 114 học sinh nghèo gặp khó khăn. Anh quyên góp tiền từ bạn bè, mua 200 chiếc màn chống muỗi và tự đem ra chợ bán để lấy tiền đóng học phí.
Anh Otto Orondaam, nhà sáng lập dự án Slum2School cho biết: Lúc đó, tôi chỉ nghĩ đến việc đóng học phí cho các em và lời hứa với các phụ huynh học sinh. Tôi không muốn họ thất vọng. Việc đưa các em đến trường cũng là niềm hạnh phúc của chúng tôi.
Sau vài năm hoạt động, Slum2School đã xây dựng được 1 trường học thu nhỏ để mở các lớp học ngoại khóa. Ngoài việc hỗ trợ đóng học phí, Slum2School còn mở các gói học bổng khuyến học và đến từng nhà vận động phụ huynh đăng ký học cho con. Mỗi em đi học đều được phát sách vở, văn phòng phẩm.
Khi đại dịch COVID-19 xảy ra, kể từ tháng 7 năm ngoái, Slum2School đã phân phát hàng trăm máy tính bảng và laptop cho giáo viên và học sinh tại khu ổ chuột Makokođể phục vụ việc học trực tuyến.
Em Esther Ikechukwu, học sinh cho biết: Em đã phải bỏ học ở trường, nhưng với dự án của Slum2School em vẫn có thể tiếp tục việc học tập. Em ẫn còn được đi học là đã tốt hơn nhiều so với 1 số trẻ em khác.
Hiện Slum2School có 30 giáo viên dạy từ xa cho khoảng hơn 1.000 học sinh, và đặt mục tiêu mở rộng chương trình đến với khoảng 10.000 em vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, 1 khó khăn nữa đối với các gia đình sống tại khu ổ chuột là thiếu điện, nhiều lúc không đủ để sạc các thiết bị điện tử cho việc học của con em. Slum2School đang cố gắng giải quyết vấn đề này bằng cách thiết lập ngân hàng điện năng, hay cung cấp cho họ ổ tích điện sạc bằng năng lượng mặt trời.
Anh Otto Orondaam, nhà sáng lập dự án Slum2School cho biết: Chúng tôi đã có những cuộc trò chuyện về thực trạng hơn 13 triệu trẻ em không được đi học ở Nigeria. Thực tế là không nhất thiết phải đợi đến khi có phòng họcmới bắt đầu giảng dạy cho các em. Bọn trẻ vẫn có thể học từ nhà thông qua chương trình học theo nhóm. Đây là chương trình mà chúng tôi nghĩ sẽ rất bền vững và có tác động lớn.
Em Esther Ikechukwu, học sinh cho biết: Thông qua chương trình học của Slum2School, em và hầu hết các bạn đang học tập rất tốt, không giống như trước đây. Dự án đã thực sự làm thay đổi cuộc sống tại Makoko.
Slum2School đang từng bước mở rộng dự án của mình với sự tham gia của ngày càng nhiều tình nguyện viên, hỗ trợ kết nối mạng lưới giáo dục tại các trường công lập. Nhiều tình nguyện viên từng là học sinh được Slum2School tài trợ học phí. Các em muốn góp 1 phần công sức để hỗ trợ Slum2School, cũng là cách tỏ lòng biết ơn đến dự án đã chắp cánh cho ước mơ học đường của các em trở thành hiện thực./.