(ANTV) - Tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức của Liên minh châu Âu (EU) tại Cộng hòa Séc, lãnh đạo 27 nước thành viên của khối đã không thể thống nhất quan điểm về phương án áp giá trần đối với khí đốt, vốn được coi là 1 trong những giải pháp cho cuộc khủng hoảng năng lượng hiện nay. Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo EU vẫn kỳ vọng các đề xuất cụ thể sẽ được đưa ra trước Hội nghị thượng đỉnh chính thức của khối vào 2 tuần nữa.
Phát biểu họp báo sau hội nghị, Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh ổn định giá khí đốt và ngăn chặn đầu cơ khí đốt là nhiệm vụ quan trọng. EC cũng sẽ đưa ra các đề xuất chi tiết hơn để ứng phó với tình trạng giá năng lượng tăng cao, trong khi vẫn đảm bảo đầu tư vào các nguồn năng lượng tái tạo.
Về phần mình, Thủ tướng nước chủ nhà Séc Petr Fiala cho hay phương án tách giá khí đốt khỏi giá điện ngày càng nhận được nhiều sự ủng hộ từ các nước thành viên EU. Ông kêu gọi khối cần đạt được giải pháp chung, thay vì giải pháp riêng lẻ của từng nước, có thể tốn kém và không hiệu quả.
Nhiều tuần qua, EU đã thảo luận về các phương án áp giá trần khí đốt, gồm giới hạn giá với tất cả khí đốt, áp giá trần với khí đốt dùng cho sản xuất điện, và áp giá trần với khí đốt của Nga.
Canada cấp phép vaccine ngừa biến thể Omicron của Pfizer/BioNTech
Canada đã cấp phép sử dụng vaccine ngừa COVID-19 được điều chỉnh của hãng Pfizer/BioNTech làm mũi tăng cường chống lại các dòng phụ BA.4 và BA.5 của biến thể Omicron.
Vaccine tăng cường của Pfizer/BioNTech, hiện được cấp phép sử dụng cho người trên 12 tuổi, là loại vaccine tăng cường thứ 2 được Bộ Y tế Canada phê duyệt. Tháng trước, bộ này đã "bật đèn xanh" cho vaccine được điều chỉnh của hãng Moderna làm mũi tăng cường ngừa COVID-19 cho người trên 18 tuổi. Cả 2 vaccine này đều có hiệu quả chống lại biến thể Omicron và các dòng phụ của biến thể này gồm BA.4 và BA.5.
Hồi tháng 8, Cơ quan Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ đã cấp phép sử dụng 2 loại vaccine cập nhật của Pfizer/BioNTech và Moderna làm mũi tăng cường ngừa COVID-19. Các cơ quan quản lý ở Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản cũng đã phê duyệt vaccine cập nhật của Pfizer/BioNTech.