(ANTV) - Tại Somalia, trong 2 tuần qua đã có khoảng 17.000 người ở phải đi sơ tán vì hạn hán nghiêm trọng. Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn ước tính ước tính đến cuối tháng Ba sẽ có khoảng nửa triệu người Somalia phải sơ tán nếu hạn hán nghiêm trọng còn tiếp diễn.
Trước đó, trong 2 tháng đầu năm, hàng nghìn người khác cũng phải di dời trên khắp đất nước Sừng châu Phi này khi hạn hán ập đến.
Đáng chú ý, phần lớn những người phải di dời là trẻ em, người già, phụ nữ. Nhiều trẻ em đã phải bỏ học để phụ giúp gia đình kiếm thêm thu nhập, tìm kiếm nước và đồng cỏ.
Trước tình trạng này, Cao ủy Liên Hợp Quốc về người tị nạn đang tăng cường hỗ trợ cho những người di tản nhưng hiện mới chỉ nhận được 5% trên tổng số tiền 157 triệu USD cần để trợ giúp cho 2,9 triệu người, bao gồm cả người Somalia và người tị nạn tới từ các quốc gia khác.
Nam Sudan đối mặt với khủng hoảng lương thực
Tại quốc gia Bắc Phi, Nam Sudan, Chương trình Lương thực Thế giới cảnh báo hơn 70% dân số của đất nước này sẽ phải đối mặt với nạn đói cùng cực trong năm nay, do Nam Sudan có nguy cơ đối mặt với “cuộc khủng hoảng lương thực tồi tệ nhất” do xung đột, thiên tai, biến đổi khí hậu và lạm phát.
Chương trình Lương thực Thế giới ước tính sẽ có tới 8,3 triệu người Nam Sudan, bao gồm cả những người tị nạn, phải chịu cảnh đói cùng cực trong những tháng tới. Quy mô và chiều sâu của cuộc khủng hoảng lương thực ngày càng lớn, trong khi hầu hết người dân trên khắp đất nước Nam Sudan hiện không còn gì để sống dù chỉ là tạm bợ qua ngày.
Kể từ khi độc lập khỏi Sudan vào năm 2011, quốc gia trẻ nhất thế giới Nam Sudan đã bị kìm hãm bởi cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị dai dẳng, cũng như cuộc nội chiến đã cướp đi sinh mạng của gần 400.000 người và buộc 4 hàng triệu người phải di dời từ 2013 - 2018. Liên hợp quốc cảnh báo Nam Sudan có nguy cơ quay trở lại xung đột, do phần lớn các điều khoản trong thỏa thuận hòa bình ký năm 2018 không được thực hiện./.