(ANTV) - Ngày 4/5, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen đã đề xuất kế hoạch tái thiết Ukraine nhằm giúp quốc gia này phục hồi sau cuộc xung đột với Nga.
Chủ tịch EC nhấn mạnh gói hỗ trợ này sẽ bao gồm khoản đầu tư lớn nhằm đáp ứng các nhu cầu và những cải cách cần thiết của Kiev, dần mở đường cho tương lai của Ukraine trong Liên minh châu Âu (EU).
Hồi giữa tháng 4 vừa qua, EC thông báo EU đang nghiên cứu một công cụ tập trung vào đáp ứng nhu cầu dài hạn của Ukraine, trong đó các quốc gia thành viên trong liên minh sẽ đóng góp tài chính để giúp Ukraine tái thiết đất nước.
Nguồn ngân quỹ chủ yếu sẽ được sử dụng để sửa chữa cơ sở hạ tầng và hỗ trợ các dịch vụ công cộng tại đây. Việc cung cấp các khoản hỗ trợ sẽ được thực hiện với sự tham vấn của Chính phủ Ukraine. Hiện vẫn chưa rõ chính xác số tiền và hình thức hỗ trợ mà châu Âu dành cho Kiev, song các đại sứ EU nhận định số tiền có thể lên tới hàng trăm tỷ euro và sẽ được giải ngân trong hàng thập kỷ.
LHQ: Thêm 40 triệu người đối mặt tình trạng thiếu ăn nghiêm trọng
Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) ngày 4/5 cho biết số người đối mặt với tình trạng thiếu ăn đã tăng lên 193 triệu người trong năm 2021 do xung đột, biến đổi khí hậu và khủng hoảng kinh tế làm ảnh hưởng đến kế sinh nhai của nhiều người.
Báo cáo thường niên của FAO nêu rõ gần 40 triệu người đã rơi vào cảnh "mất an ninh lương thực nghiêm trọng" trong năm 2021.
Trong số 53 nước phải đối mặt với vấn đề trên, hầu hết người bị ảnh hưởng đang sống tại Cộng hòa dân chủ Congo, Ethiopia, Yemen và Afghanistan.
Liên hợp quốc xác định "mất an ninh lương thực nghiêm trọng" là khi một người không có khả năng ăn uống đầy đủ khiến tính mạng của họ gặp nguy hiểm. FAO cho biết tình trạng thiếu ăn này có nguy cơ trở thành nạn đói và làm nhiều người chết hàng loạt.
Mức tăng năm 2021 "là do sự cộng gộp của 3 nhân tố gồm xung đột, thời tiết cực đoan và các cú sốc kinh tế", làm 53 quốc gia bị ảnh hưởng.