(ANTV) - Tình trạng bán bán hàng rong trên vỉa hè, lòng đường, từ lâu đã là chuyện thường ngày ở đô thị. Nhưng thay vì những gánh, những sọt, những sạp hàng như trước kia, gần đây đang rộ lên một hình thức mới lạ: đó là, đánh cả xe tải đi bán hàng rong! Tình trạng này gây ra những hệ lụy như thế nào?
Tại đoạn đường Nguyễn Xiển, thuộc quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội, một trong những trục đường có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông lớn nhất nhì thủ đô. Vậy nhưng, từ 7h sáng đến 21h tối hằng ngày, luôn có những chiếc xe tải dừng trái phép bên đường để kinh doanh, buôn bán hoa quả và trở thành nghề kiếm sống của nhiều gia đình.
Một người bán hàng rong cho biết đã bán tại đây 9 năm, ngày nào cũng bán. Năm nào cũng ngồi đây, mùa nào thức nấy. Mùa cam bán cam, mua dưa bán dưa, rồi nhãn, vải, táo, không thiếu thứ gì, từ 7h sáng đến 9h tối
Bên cạnh việc tổ chức bán hoa quả lưu động trên xe tải, người bán hàng này còn dựng cả lều và kinh doanh thêm quán nước ngay bên cạnh để làm chốn nghỉ ngơi tạo điều kiện thuận lợi cho công việc bán hàng của mình.
Khi được hỏi tại sao không vào chợ bán? thì người bán hàng rong này nghiễm nhiên cho rằng chỗ mình ngồi ở đây thì mình bán ở đây thôi, sao phải vào chợ, có cả lều bán nước ở đây, tối thì đẩy xe vào đây.
Tương tự vậy, trên đoạn đường Giải Phóng hướng đi từ Cầu vượt Ngã Tư Vọng đến bến xe Giáp Bát cũng có tới gần chục chiếc xe tải nhỏ tập kết bên đường, cách nhau chừng vài trăm mét.
Giải thích cho tình trạng nở rộ những xe tải hoa quả lưu động, một chủ xe đã bán tại đây 3 năm thừa nhận về lợi nhuận của cách kinh doanh này mang lại: Ngoài đường một ngày tôi bán mấy tạ, chứ bán trong sạp chẳng bán được thì chả ra ngoài đường. Đây nó cũng tiện với người mua hơn, thích thì dừng xuống mua luôn, không phải chen chúc vào chợ. Thế nên giờ họ cũng theo nhau làm nhiều lắm, cả đoạn ngắn này mấy con xe liền.
Theo quy định tại Điều 35 Luật giao thông đường bộ 2008: Lòng đường và hè phố chỉ được sử dụng cho mục đích giao thông. Trong một số trường hợp vẫn cho phép tổ chức một số hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội trên đường bộ. Trường hợp đặc biệt, việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường, hè phố vào mục đích khác phải do UBND cấp tỉnh quy định nhưng không được làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn giao thông. Đặc biệt, nghiêm cấm các hành vi sau: Họp chợ, mua, bán hàng hóa trên đường bộ…
Quy định là vậy, và biết rất rõ các vi phạm, song vì nhiều lý do, tình trạng dừng đỗ buôn bán ở lề đường không những không giảm mà ngày càng gia tăng.
Một người bán hàng rong tại đây biện hộ: Công an nào cho đứng đâu, cứ bị đuổi thì chạy thôi, không chạy được thì bắt thì phạt 1-2 triệu. Còn bị đuổi thì ngồi lên xe ô tô này đi luôn, đến chỗ kín thì thu dọn, mai lại ra bán. Mà bán sáng tối là kiểu gì cũng bị bắt, chỉ bán tranh thủ sáng một ít, chiều một ít, tối một ít. Có khi công an đi từ sáng đến tận 7h tối.
Là tuyến đường trọng điểm phía đông nam của thủ đô Hà Nội, chạy qua các quận Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Đống Đa, Thanh Xuân và nằm gần với bến xe Giáp Bát; Đường Giải Phóng trở thành điểm nóng về các hành vi vi phạm kinh doanh dưới lòng đường. Cơ quan chức năng của các quận, và địa phương luôn túc trực và quyết liệt trong việc xử lý các hành vi vi phạm. Song, do tính chất lưu động hoạt động kinh doanh này, cũng như nhiều chiêu trò đối phó của các chủ xe tải nên lực lượng chức năng luôn gặp nhiều khó khăn trong việc xử lý vi phạm.
Có một nghịch lý là, càng vào giờ cao điểm thì hoạt động mua bán càng trở nên tấp nập. Đó là bởi vì ai cũng tranh thủ dừng lại vài phút trên đường đi về để sắm mấy thứ quả hay món đồ cần cho gia đình. Bởi vậy mà, tình trạng vi phạm, dù đã rõ, song vẫn khó để giải quyết triệt để.
TS-KTS Đào Ngọc Nghiêm- Phó chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho biết: Chúng ta có thể thấy là đã thiếu về diện tích đường và chỗ đỗ xe mà bây giờ lại có thêm cả phương tiện giao thông lấn chiếm lòng đường nữa thì nó sẽ càng gây những cái áp lực lớn về giao thông. Đó là còn chưa kể về những hệ lụy từ môi trường khi trực tiếp xả rác ra đường, Tôi cho rằng đây là vấn đề cần phải sớm nhìn ra để có những giải pháp xử lý quyết liệt.
Ùn tắc ngày càng trở thành nỗi ám ảnh khi tham gia giao thông ở các thành phố lớn. Theo tính toán, mỗi năm TP.HCM thiệt hại khoảng 1,2 triệu giờ công lao động, 1,3 tỉ USD/năm do ùn tắc giao thông và 2,3 tỉ USD do ô nhiễm môi trường từ các phương tiện cơ giới. Đánh giá từ Viện Chiến lược và phát triển GTVT (Bộ GTVT) cũng cho biết, ùn tắc gây thiệt hại cho TP.Hà Nội mỗi năm khoảng 1 - 1,2 tỉ USD. Sẽ có rất ít người để ý tới con số này vì thiệt hại không tác động ngay lập tức tới bất kỳ ai.
Buôn bán ở lòng đường và dừng lại mua hàng ở lòng đường, vỉa hè chính là đang góp phần khiến cho tình trạng ùn tắc, quá tải giao thông diễn ra nghiêm trọng hơn./.