Tai nạn giao thông (TNGT) là nỗi ám ảnh đối với hàng triệu gia đình. Trung bình hàng năm, TNGT cướp đi sinh mạng của 9 nghìn người, gần 30 nghìn người bị thương. Trên truyến giao thông đường bộ, các hoạt động phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội và vi phạm pháp luật về ANTT diễn ra ngày càng phức tạp.
Nhất là các hành vi gây rối trật tự công cộng, chống người thi hành công vụ, cố ý gây thương tích, cướp, cướp giật tài sản, vận chuyển trái phép chất ma túy, hàng giả, hàng lậu.
Từ năm 2009 đến năm 2021, lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý hơn 40 nghìn vụ vi phạm pháp luật hình sự, bắt 14 nghìn đối tượng. Điều này cho thấy, bảo đảm trật tự, an toàn trên tuyến giao thông đường bộ là một nhiệm vụ cấp bách đặt ra trong tình hình hiện nay. Khi mà giao thông đường bộ là lĩnh vực chiếm đến 90% hoạt động đi lại nói chung và trên 70% hoạt động vận tải nói riêng.
Từ góc độ tiếp cận quyền con người, các chuyên gia cũng đánh giá cao, khi Dự thảo Luật TTATGT đã cụ thể hóa các quy định về bảo vệ nhóm người yếu thế khi tham gia giao thông. Dự luật dành riêng 1 điều để quy định về người đi bộ, người khuyết tật, người già yếu, trẻ em tham gia giao thông.
Trong đó, đề ra hàng loạt quy định về bảo vệ trẻ em gồm: Quy định việc không để trẻ em ngồi hàng ghế trước trên xe ôtô khi tham gia giao thông đường bộ. Đối với trẻ em dưới 4 tuổi phải được chở bằng ghế thiết kế dành cho trẻ em. Người lái xe có trách nhiệm kiểm tra, hướng dẫn việc thắt dây an toàn cho trẻ em.
Dự thảo Luật đặt trẻ em vào vị trí trung tâm cần được bảo vệ an toàn tuyệt đối khi tham gia giao thông. Bên cạnh đó, Luật cũng đã tiếp cận quyền con người trong xây dựng các quy định về giải quyết các vụ án tai nạn giao thông.
Tiếp cận quyền con người trong hoàn thiện pháp luật, việc kế thừa, xây dựng một Luật riêng về TTATGT có ý nghĩa rất quan trọng. Bởi ở đó, quy định cụ thể quyền hạn, thầm quyền và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước trong thực thi nhiệm vụ bảo đảm TTATGT. Đây là điều mà Luật Giao thông đường bộ năm 2008, sau hơn 13 năm chưa đáp ứng được.
Cụ thể hóa quyền và nghĩa vụ của người tham gia giao thông. Cụ thể hóa nghĩa vụ của lực lượng thực thi công vụ từ khâu tin báo, đến quá trình xử lý, giải quyết vụ việc, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các bên liên quan. Đảm bảo khách quan, công khai, minh bạch.
Dự thảo Luật TTATGT đường bộ, được kỳ vọng sẽ góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước và người tham gia giao thông một cách nề nếp và bền vững hơn.