(ANTV) - Bên cạnh xét tuyển đại học bằng kết quả điểm thi từ kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022, thì nhiều trường vẫn lựa chọn phương thức xét tuyển từ học bạ . Đây được coi là cơ hội giúp các thí sinh giảm bớt áp lực và các trường tăng khả năng xét tuyển. Tuy nhiên điểm xét tuyển học bạ năm nay đã có điểm chuẩn tăng vọt . Nhiều ngành điểm học bạ trúng tuyển lên đến hơn 30 điểm, điều này đồng nghĩa nhiều thí sinh 30 điểm sẽ không đỗ Đại học khi xét tuyển bằng phương thức này.
Có tới hơn 20 nghìn hồ sơ gửi về đăng ký xét bằng phương thức học bạ, nhưng chỉ có 1.100 chỉ tiêu tuyển sinh, do đó, điểm bình quân cao nhất hiện nay từ phương thức này quy đổi là 28.5 điểm mới có thể đỗ vào ngành Công nghệ thông tin của trường Đại học Giao thông vận tải.
Năm nay, tại trường Đại học Ngoại thương, ngoài tổng điểm trung bình cộng ba môn trong tổ hợp xét tuyển và điểm ưu tiên đối tượng, khu vực theo quy chế của Bộ, thí sinh được cộng tối đa 4 điểm nếu có giải học sinh giỏi quốc gia. Với cách tính đó, năm ngành của trường này đào tạo tại Hà Nội và hai ngành tại TP HCM lấy điểm chuẩn 30-30,5.
Khi điểm chuẩn ở mức cao gần như tuyệt đối, lại khiến các trường trăn trở về chất lượng thí sinh từ nguồn tuyển xét học bạ. Từ thực tế đánh giá của trường mình năm nay, Học viện Chính sách và phát triển đã phải giảm dần tỷ lệ xét từ hình thức này và chuyển bớt chỉ tiêu sang hình thức khác có chất lượng hơn.
Cũng theo nhiều chuyên gia, điểm chuẩn tăng cao bất ngờ là hệ lụy trước mắt, tuy nhiên điều này cũng giảm đi độ tin cậy vào chất lượng giáo dục bậc THPT. Cũng có ý kiến cho rằng điều này sẽ xuất hiện tình trang tiêu cực mua điểm xin điểm là khó tránh khỏi.