(ANTV) - Có thể thấy các làng nghề vẫn mang lại nguồn lợi về kinh tế rất lớn cho các hộ gia đình. Tuy nhiên đi đôi với sự phát triển, thì tình trạng ô nhiễm ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái và đời sống của cư dân làng nghề. Hầu hết các làng nghề mới chỉ tổ chức thu gom mà chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom xử lý chất thải rắn mà thải thẳng ra môi trường. Câu chuyện xử lý ô nhiễm cứ thế loay hoay, làng xử lý rác nhưng lại tạo ra rác của xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội là một ví dụ như vậy.
Đủ các loại phế liệu, rác thải, nhất là vỏ chai nhựa được người dân thôn Xà Cầu xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, TP. Hà Nội thu gom từ khắp các nơi về chất thành đống, để khắp đường làng, ngõ xóm. Sau khi phân loại xong rác thải được người dân nơi đây đổ xuống ao hồ hoặc mang đi đốt trộm.
Trước thực trạng người dân đốt rác thải ngoài môi trường chính quyền địa phương đã cử lực lượng an ninh của thôn, xã làm nhiệm vụ trực để hạn chế tình trạng xả rác và đốt rác gây ô nhiễm môi trường làm ảnh hưởng đến cảnh quan của địa phương.
Ông Nguyễn Đình Chiến, An ninh viên thôn Xà Cầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, TP Hà Nội cho biết: Vấn đề rác thải đang rất bc xúc. Người dân lúc nào cũng bảo biết rồi khổ lắm nói mãi nhưng mà không nói thì không được. Chính quyền đang vào cuộc rất gay gắt để tìm đầu ra cho bà con. Mới đây cũng có đơn vị xử lý rác cũng về thu gom thế nhưng cũng không đáp ứng được nhu cầu của bà con. Rác vẫn ùn ứ rất là nhiều.
Theo thống kê, mỗi năm lượng rác thải phát sinh từ nghề sơ chế phế liệu, rác thải ở thôn Xà Cầu là khoảng 70 tấn. Thời gian đầu, chính quyền xã trích ngân sách thuê vận chuyển rác về bãi tập kết của thành phố để xử lý giá 3.000 đồng/kg. Về sau, do ngân sách xã có hạn, nên cả thôn đành chấp nhận sống chung với rác, với ô nhiễm môi trường. Mặc dù lực lượng Cảnh sát môi trường đã xử phạt hành chính hơn 50 trường hợp về hành vi xả rác, đốt rác, nhưng tình hình chưa được cải thiện.
Vẫn biết là ô nhiễm thế nhưng với những người làm nghề như anh Kiên thì nếu không có nơi thu gom và xử lý rác thải thì họ buộc phải đổ ra môi trường, thậm chí là đốt lộ thiên để giải quyết vấn đề rác thải trước mắt. Còn về lâu dài những người làm nghề cũng lo lắng bởi trước khi ảnh hưởng đến môi trường rác thải này còn ảnh hưởng lớn đến sức khỏe của chính những người dân nơi đây.
Anh Lý Đình Hưng, hộ kinh doanh phế liệu cho biết: Tôi là làm nghề thu mua phế liệu, sau quá trình tái chế thì có rất nhiều rác thải bỏ đi ko tái chế được. Hầu như đốt bỏ là phần nhiều. Không có cách nào khác ngoài đốt, mặc dù đốt thì nó sẽ ảnh hưởng đến môi trường.
Theo ông Nguyễn Đình Chiến: Bãi rác ùn ứ cao dẫn đến người dân đổ ra quốc lộ. Rồi có người đi nhặt ve chai họ sẽ châm lửa đốt làm ảnh hưởng lớn đến môi trường. Thực tại chính quyền địa phương rất mong mỏi các ban ngành, các cấp ở trên tìm ra giải pháp để giúp bà con giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Không chỉ là rác thải từ các hộ làm nghề của làng, 1 bộ phận người dân cũng tự ý dựng nhà xưởng trái phép để sản xuất kinh doanh thế nên lượng rác thải ngày càng tăng lên.
Theo thống kê, hiện xã có khoảng 170 hộ thu gom phế liệu. Tình trạng đổ trộm và đốt phế liệu thường xuyên diễn ra trên địa bàn. Thời gian qua, chính quyền địa phương đã tích cực phối hợp với tổ công tác xử lý môi trường của huyện kiểm tra, xử lý các hộ kinh doanh tái chế phế liệu. Song song với đó chính quyền địa phương cùng các ngành chức năng mở rộng các cụm khu công nghiệp để từng bước kêu gọi người dân chuyển sản xuất ra khu công nghiệp góp phần cùng chính quyền địa phương giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong sản xuất
Ông Nguyễn Hữu Nhất, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu cho biết: Đối với xã được thành phố và huyện quan tâm mở rộng các khu công nghiệp của địa phương. Từ đó kêu gọi người dân vào khu công nghiệp để giãn cách với khu dân cư điều này sẽ đảm bảo cho công tác quản lý và bảo vệ môi trường.
Không thể phủ nhận các làng nghề mang lại nguồn lợi về kinh tế rất lớn cho các hộ gia đình. Tuy nhiên đi đôi với sự phát triển, tình trạng ô nhiễm càng gia tăng, ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sinh thái và đời sống của cư dân làng nghề. Hầu hết các làng nghề mới chỉ tổ chức thu gom mà chưa có hệ thống xử lý nước thải, khí thải, thu gom xử lý chất thải rắn mà thải thẳng ra môi trường. Câu chuyện xử lý ô nhiễm cứ thế loay hoay, làng xử lý rác nhưng lại tạo ra rác của xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội là một ví dụ như vậy.